Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá đây là một trong những cơ hội để các Sở TT&TT lấy lại vai trò của mình. Trong thời gian tới, các đơn vị thuộc bộ cần triển khai Chính phủ điện tử với tốc độ nhanh và chất lượng hơn. Khi Chính phủ đi đầu về Chuyển đổi số, về Chính quyền điện tử, điều đó sẽ tốt cho người dân nhờ việc tiết kiệm chi phí, giảm nhũng nhiễu và công khai minh bạch. 

Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị cần phải chỉ rõ được Chính phủ điện tử là gì để tập trung xây dựng từ nay cho đến năm 2020. Đó có thể là vấn đề về kết nối, dịch vụ công và khả năng đi vào cuộc sống của các dịch vụ công trực tuyến.

Trung tâm Giám sát Điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên-Huế/Ảnh minh họa.

Theo tinh thần này, Bộ TT&TT sẽ đề nghị một số tỉnh (hiện còn 6 tỉnh) bàn giao Tổ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng UBND tỉnh về Sở TT&TT để thống nhất trên toàn quốc nhằm triển khai có hiệu quả. Tới đây, các Sở TT&TT nhiều việc hơn, nhưng đây là cơ hội quan trọng để khẳng định vị thế, vai trò, uy tín quan trọng của ngành TT&TT trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước. Do vậy, Bộ TT&TT yêu cầu cần phải thúc đẩy nhanh hơn, các đơn vị có liên quan khi được giao nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực để triển khai có hiệu quả.

Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Đây là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử, đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp.

Bộ TT&TT cũng đã liên tục giải đáp các phản ánh, kiến nghị của các bộ, ngành, Sở TT&TT về các nội dung liên quan tới ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Trong đó, tập trung nhiều vào các vấn đề vướng mắc như cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, mô hình, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu…

Tin, ảnh: VĂN PHONG - MẠNH HƯNG