Những năm qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, bám sát thực tiễn tình hình và nhiệm vụ đơn vị, Đảng ủy Học viện và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và Phong trào TĐQT.

Học viện đã gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện Phong trào TĐQT với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới"; bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, đề cao tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, đột phá vào những việc khó, khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; đẩy mạnh công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng các tập thể, cá nhân có những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giáo dục, đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH), tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu vươn lên, lập những thành tích mới và đỉnh cao mới.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng năm học 2023-2024 của Học viện Chính trị nhận Cờ thi đua của Học viện trao tặng (ảnh chụp ngày 21-8-2024). Ảnh: TUẤN VIỆT 

Các cơ quan chức năng đã tích cực tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp, đẩy mạnh các hoạt động thi đua hướng vào đổi mới toàn diện, đồng bộ các khâu, các bước của quá trình đào tạo, bồi dưỡng; tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng và thực hiện mô hình, mục tiêu, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ nghiên cứu, giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự là người chủ trì về chính trị, người cán bộ giảng dạy, cán bộ NCKH “vừa hồng, vừa chuyên”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ” và “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp và quy trình tổ chức Phong trào TĐQT. Qua đó, kịp thời khắc phục các khâu yếu, mặt yếu, tạo sự phát triển toàn diện, vững chắc; đặc biệt coi trọng hình thức “nêu gương”.

Phong trào thi đua “Dạy tốt” triển khai tích cực, đạt nhiều thành tích; đã quán triệt, thực hiện có hiệu quả và rút ra những kinh nghiệm từ thực hiện phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; Nghị quyết 1657 của Quân ủy Trung ương; Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Học viện đã xây dựng mới 14 chương trình (6 chương trình đào tạo chức vụ; 8 chương trình đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, thời gian 1,5 năm); bổ sung, phát triển chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 18 chương trình đào tạo sau đại học (9 chương trình đào tạo thạc sĩ, 9 chương trình đào tạo tiến sĩ); nghiệm thu và vận hành 44 chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, triển khai xây dựng chuẩn đầu ra, ma trận chuẩn đầu ra 587 học phần (môn học).

Thực hiện Phong trào thi đua “Học tốt”, Học viện đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý học viên, duy trì hiệu quả phong trào thi đua quản lý tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt ở các hệ. Tích cực gắn Phong trào TĐQT với Phong trào thi đua “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất”, tạo sự công bằng, khách quan trong đánh giá kết quả học tập, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, ngăn chặn những tiêu cực do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường xâm nhập vào môi trường sư phạm của Học viện.

Học viên các cấp học, bậc học đã tích cực đổi mới phương pháp học tập, tích cực tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Các hoạt động thi đua trong tự học tập, tự rèn luyện diễn ra sôi nổi và đạt kết quả tốt. Chất lượng đào tạo của Học viện trong 5 năm qua tiếp tục được giữ vững và phát triển vững chắc. 

Phong trào thi đua “Nghiên cứu khoa học tốt” có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả cao. Các nội dung nghiên cứu đã bám sát với yêu cầu thực tiễn. Hướng hoạt động NCKH vào nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT ở Học viện và các nhà trường Quân đội, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, bổ sung hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, giải pháp về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch.

Trong 5 năm, Học viện đã nghiên cứu 3 đề tài cấp nhà nước, 14 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 49 đề tài cấp ngành, 279 đề tài cấp Học viện; 68 đề tài tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội đoạt giải cấp toàn quân (trong đó có 3 giải nhất, 14 giải nhì, 29 giải ba, 22 giải khuyến khích); nghiên cứu biên soạn hàng trăm giáo trình, tài liệu dạy học. Đặc biệt, cụm công trình “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng” của Trung tướng, Giáo sư Trần Xuân Trường, nguyên Giám đốc Học viện và các cộng sự, đã được giải thưởng cấp nhà nước về khoa học-công nghệ năm 2022. 

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị chủ trì Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận cơ bản về kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam trong bối cảnh mới”. Ảnh: TUẤN VIỆT 

Cùng với hoạt động thi đua, Học viện đã thực hiện tốt công tác khen thưởng, gắn kết chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng sau từng đợt, từng phong trào, từng giai đoạn thi đua và từng nhiệm vụ. Thực hiện tốt khen thưởng thường xuyên, khen thưởng cống hiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng gắn với hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống, với hội thi, hội thao và các cuộc vận động. Việc tiến hành khen thưởng ở các cấp, các ngành được thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, khách quan, đúng quy trình, quy chế, là động lực quan trọng động viên cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị hăng hái phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.

Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường; sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH của Học viện. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về đổi mới công tác TĐKT và Phong trào TĐQT, Học viện tiếp tục hướng Phong trào TĐQT vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, trước mắt là tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, nâng cao chất lượng hiệu quả các mặt công tác, phát huy cao độ tính tự giác, tích cực của mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, góp phần xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, NCKH xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia. 

Thực hiện Phong trào TĐQT, từ năm 2019 đến nay, Học viện Chính trị có 8 tập thể và 35 cá nhân được Nhà nước tặng huân chương; 4 tập thể, 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 46 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”; 47 tập thể và 98 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen...

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.