Phóng viên (PV): Được biết, năm học vừa qua, công tác GD-ĐT trong quân đội đã đạt được kết quả khá toàn diện. Đồng chí có thể điểm qua một số kết quả nổi bật?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh: Năm học vừa qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng các cơ quan, đơn vị, Cục Nhà trường đã chỉ đạo các học viện, trường quân đội chủ động khắc phục khó khăn, nhất là những tác động từ đại dịch Covid-19, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát thực tế; tăng cường dạy học ngoại ngữ, huấn luyện thể lực, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn; đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra, kiểm định chất lượng GD-ĐT; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác về GD-ĐT. Đặc biệt, những hạn chế, tồn tại của năm học 2019-2020 đã cơ bản được khắc phục; chất lượng GD-ĐT được nâng lên; cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chỉ huy tốt nghiệp ra trường cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...

Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh. 

PV: Năm học 2021-2022, công tác tuyển sinh được tiến hành trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Nhà trường đã triển khai những biện pháp gì để giữ vững chất lượng đầu vào và bảo đảm an toàn khi tiếp nhận học viên?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với chức năng là Cơ quan Thường trực Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng, Cục Nhà trường đã đề xuất Ban TSQS Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng tuyển sinh năm học 2021-2022, như: Chỉ đạo các nhà trường, ban TSQS các cấp phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp TSQS. Cục Nhà trường đã gửi hơn 20.000 tài liệu về công tác TSQS tới 713 huyện, gần 4.900 trường THPT trên toàn quốc; trực tiếp tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh tại 12 tỉnh, thành phố; chủ động đề xuất và kịp thời triển khai phương án xét tuyển từ kết quả học bạ cho đối tượng không tham gia hai kỳ thi THPT quốc gia, được đặc cách tốt nghiệp THPT để bảo đảm công bằng cho học sinh không thể tham gia dự thi do dịch Covid-19.

Ngày 16-9-2021, Bộ Quốc phòng đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự. Từ ngày 25-9 đến 15-10, các thí sinh trúng tuyển đến nhập học tại các trường trong quân đội. Cục Nhà trường đã quyết liệt chỉ đạo các trường triển khai những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như cách ly, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR; khám phúc tra sức khỏe... bảo đảm an toàn, đủ điều kiện mới tổ chức nhập học và học tập theo kế hoạch.

PV: Những nội dung đột phá trong công tác GD-ĐT được Cục Nhà trường và các học viện, nhà trường trong quân đội xác định trong năm học mới là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh: Năm học 2021-2022 giữ vai trò rất quan trọng, bởi là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Ngoài ra, dịch Covid-19 sẽ vẫn tác động trực tiếp đến hoạt động GD-ĐT của cả nước nói chung, trong quân đội nói riêng. Từ những đặc điểm cơ bản nêu trên, các nhà trường quân đội xác định tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của các cấp, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; các kết luận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng về công tác nhà trường quân đội.

Cùng với đó, Cục Nhà trường tiếp tục hoàn chỉnh “Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các đề án: “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2021-2030”, để báo cáo, thông qua cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong GD-ĐT; hoàn chỉnh kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực GD-ĐT trong các nhà trường quân đội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm “Chất lượng GD-ĐT của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hành tại phòng thí nghiệm khí tài quang học. Ảnh: VĂN HOAN. 

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về phương châm “Chất lượng GD-ĐT của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, cần làm gì để thực hiện hiệu quả phương châm này?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh: Đây là phương châm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đối với công tác GD-ĐT trong quân đội. Phương châm xuất phát từ quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thực hiện phương châm này chính là cụ thể hóa việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Cần phải khẳng định, phương châm nói trên thể hiện yêu cầu và mối quan hệ biện chứng giữa đào tạo của nhà trường với sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị. Để thực hiện tốt phương châm này, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng kế hoạch thực hiện; các học viện, nhà trường quân đội xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó xác định rõ một số nội dung, biện pháp chính như: Xây dựng và hoàn thành “Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng với nhà trường, đơn vị; tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó chú trọng bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học và năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kiến thức về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh thời gian, chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, đào tạo; nâng cao hiệu quả công tác khảo thí, thanh tra, kiểm tra, phúc tra của các cấp, thực hiện dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất kết quả đào tạo; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với công tác GD-ĐT và xây dựng các nhà trường quân đội; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG HÀ (thực hiện)