Thiết lập “mạng lưới sáng kiến Hà Nội”

Thành phố xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động kinh tế - xã hội Thủ đô.

Thành phố Hà Nội đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể: Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50% vào năm 2025 và mức trên 55% vào năm 2030. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7,0% - 7,5% vào năm 2025 và đạt từ 7,5% - 8,0% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025 và khoảng 35% GRDP vào năm 2030. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 70% vào năm 2025 và đạt trên 85% vào năm 2030. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 70% vào năm 2025 và đạt tối thiểu 85% vào năm 2030.

Tỷ lệ sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ trên tổng số sản phẩm Chương trình OCOP đạt tối thiểu 40% vào năm 2025 và tối thiểu 60% vào năm 2030.

Thủ đô phấn đấu đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 12 người trên một vạn dân, năm 2030 đạt 14 người trên một vạn dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.

Để đạt được các chỉ tiêu quan trọng nêu trên, thành phố sẽ đầu tư cho khoa học công nghệ khoảng 1,2% - 1,5% GRDP, trong đó đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%. Đến năm 2030, đầu tư đạt 1,5% - 2% GRDP, trong đó đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65% - 70%.

Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối với Trung ương và các tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa. Ảnh: qdnd.vn 

Hà Nội sẽ phát huy vai trò là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối với Trung ương và các tỉnh, thành phố. Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, làm nhiệm vụ định giá, đánh giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ đủ năng lực phục vụ thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn Hà Nội và cả nước. 

Thành phố sẽ thực hiện các sáng kiến khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và phát huy vai trò thành viên của mạng lưới, xây dựng thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”. Từng bước xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đấy hợp tác quốc tế trong hoạt động sáng tạo. Thành phố nghiên cứu thiết lập “mạng lưới sáng kiến Hà Nội” dạng mở nhằm kết nối mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nêu các ý tưởng và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo của cả nước

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 07 - CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành công lớn của Chương trình số 07-CTr/TU là sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các đơn vị, sở ngành đối với vấn đề khoa học và công nghệ. Các quan điểm, chủ trương, mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt đối với giới trẻ.

Phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ảnh: qdnd.vn 

“Các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày càng bám sát vào thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Từ đó lựa chọn và xác định được các nhiệm vụ có tính cấp thiết, có tính ứng dụng cao phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo công tác ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo triển khai của một số cấp ủy đảng, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chưa quyết liệt, sâu sát. Việc xây dựng, ban hành một số đề án, kế hoạch, chuyên đề còn chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức; sự gắn kết giữa nhà khoa học, nhà trường, các đơn vị nghiên cứu còn lúng túng; việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các quận, huyện, nhất là lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chưa phát huy được hiệu quả của quỹ phát triển khoa học công nghệ…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát chương trình đề ra cùng các cơ chế, chính sách liên quan để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền thành phố; phát huy vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển khoa học công nghệ. 

“Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Bên cạnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đây cũng là một căn cứ để các nhà đầu tư lựa chọn địa bàn đầu tư. Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong một vài năm tới là một chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư căn cứ vào đó để lựa chọn môi trường đầu tư, kinh doanh”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết và mong muốn Hà Nội quan tâm, bám sát, phối hợp với Bộ trong triển khai nội dung này.

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU trong nửa cuối nhiệm kỳ, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đồng thời, các  đơn vị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, trong đó tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành phố tổ chức các hội nghị nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu, đóng góp ý kiến cho nội dung chính sách. Đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định vai trò, vị trí của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các Quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó, tập trung nguồn lực của thành phố để hình thành các cơ sở, các tổ chức trung gian để sớm hình thành thị trường Khoa học và công nghệ; khẩn trương triển khai dự án “Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm đầu mối giúp thành phố xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội. Trong đó, huy động nguồn lực khoa học và công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu lớn trên địa bàn; tập trung rà soát, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn của thành phố cũng như của các ngành, địa phương để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự phát triển của Thủ đô trên tất cả lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt lĩnh vực chuyển đổi số.

Về tầm quan trọng việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạo cơ chế linh hoạt, cởi mở để các trường đại học, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh lĩnh vực này; hỗ trợ việc tự chủ của các đơn vị, khai thác hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Thành phố sẵn sàng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thử nghiệm các chính sách về đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, để Hà Nội trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo của cả nước.

VIỆT NGA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.