Từ “trồng cây” được giải thích là “vùi hay cắm cành, hoặc gốc cây giống xuống đất cho mọc thành cây”. Có nghĩa là, trồng cây phải bắt đầu từ gốc, từ ươm trồng cho đâm chồi, nẩy lộc. Thế nhưng trồng cây theo kiểu hớt ngọn, hình thức dường như đã trở nên phổ biến. Thậm chí có lúc người ta tổ chức trồng cây bằng việc di dời cây hơn cả tuổi người trồng, đường kính to đến mức người ôm. Bao nhiêu nhân lực quật gốc, dùng máy cẩu chuyển đến. Người trồng xúc dăm nắm đất, tưới vài bình nước và nghiễm nhiên đặt biển... trồng cây. Điều đáng buồn là cái sự “trồng cây” hình thức ấy lại được cả người công tác trong ngành giáo dục-người làm sự nghiệp trồng người ủng hộ.

Từ bệnh hình thức trong trồng cây lại nghĩ đến chuyện “trồng người”. Bác Hồ kính yêu từng căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Với Bác, việc trồng cây cũng như trồng người phải có quá trình, phải trải qua năm tháng nuôi trồng, chăm sóc chu đáo, cẩn thận mới mong sự phát triển bền vững. Tất nhiên, sự nghiệp giáo dục của nước nhà hiện nay cũng đang hướng tới xây dựng một quá trình dài từ mầm non đến bậc học đại học. Đặc biệt với chương trình giáo dục phổ thông mới sắp đi vào thực tiễn sẽ chú trọng hơn vào sự thống nhất trong giáo dục học sinh từ lúc còn thơ cho đến tuổi trưởng thành.

Thế nhưng vẫn còn thực tế là hiện nay, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ trong nhà trường ở nhiều nơi dường như mới chỉ dừng ở việc hô hào, khẩu hiệu mà chưa đi vào thực chất. Nhiều người tâm huyết với sự nghiệp trồng người vẫn cho rằng, giáo dục đang chú trọng quá nhiều vào trang bị tri thức mà chưa tập trung vào việc giáo dục từ gốc, đó là đạo đức, nhân cách cho trẻ em. Có lẽ vì thế mà những hiện tượng vi phạm đạo đức của học sinh như đánh bạn, đe dọa thầy cô giáo, cổ xúy những hiện tượng lệch chuẩn trong giới trẻ... đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Các môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh cũng chưa được coi trọng đúng mức. Giáo dục công dân hay đạo đức vẫn bị coi là môn phụ. Việc kiểm tra đánh giá các môn học này không được đặt đúng vị trí. Thời gian gần đây, khi mà kỳ thi THPT quốc gia đưa tổ hợp môn khoa học xã hội, trong đó có Giáo dục công dân vào bài thi chính thức đã được nhiều người ủng hộ. Đây được coi là một trong việc góp phần đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục từ gốc, giáo dục nền tảng về đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Nếu chỉ trồng cây từ ngọn một cách hình thức thì gốc rễ sẽ không bén sâu, bền chặt. Chỉ một cơn giông bão, cây sẽ đổ! Cũng như vậy, nếu một đứa trẻ không được giáo dục toàn diện từ nền tảng, thì trước những sóng gió cuộc đời sẽ dễ đổ ngã như những cái cây to mà rễ không được cắm sâu vào lòng đất.

TUỆ ANH