Thí sinh sẽ thi đầu tiên môn Lịch sử, sau đó đến Địa lý và Giáo dục công dân, thời gian làm bài mỗi môn trong bài thi là 50 phút. Đây là năm thứ hai, môn Giáo dục công dân xuất hiện trong một kỳ thi quan trọng, vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học.

Hình thức làm bài của tổ hợp Khoa học xã hội là trắc nghiệm khách quan đã khiến các thí sinh cảm thấy rất hào hứng vì với cách thi này các em không phải viết những bài dài với nhiều dữ liệu, sự kiện lịch sử, mà chỉ cần nắm chắc kiến thức và tập trung suy luận để lựa chọn đáp án chính xác. Môn Giáo dục công dân với nhiều câu hỏi về pháp luật, tình huống thực tế cũng khiến thí sinh cảm thấy thích thú.

Thí sinh đến sớm tranh thủ ôn bài.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có 48% thí sinh (444.530 em) đăng ký bài thi Khoa học xã hội; khoảng 4% thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp. Ngoài ra, khoảng 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).

Thời tiết những ngày diễn ra kỳ thi khá thuận lợi. Thí sinh kết thúc ngày thi cuối cùng với cơn mưa rào mát mẻ. Thí sinh Ngô Chung (Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, việc làm bài thi các môn xã hội không “đáng sợ” vì câu hỏi ít yêu cầu học thuộc. Hơn nữa, em chỉ thi để xét tốt nghiệp nên tâm lý khá thoải mái.

 
Thí sinh kết thúc kỳ thi với trời mưa tầm tã.

“Em đã làm thử đề thi năm 2017 và cả đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT thấy cách ra đề thi không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc nhiều. Có lẽ bởi vậy năm nay nhiều bạn chọn bài thi Khoa học xã hội hơn”, thí sinh Minh Châu (Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) chia sẻ.

Là ngày thi cuối cũng là ngày thi quan trọng cho xét tuyển khối C nhưng thí sinh Huy Hoàng (Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) tỏ ra rất thoải mái. Huy Hoàng cho biết em chọn bài thi Khoa học xã hội vì muốn lấy điểm thi môn Lịch sử xét tuyển vào Trường An ninh khối C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và em khá tin tưởng vào bài thi Lịch sử bởi đây là môn học em yêu thích.

 
Dù mưa hay nắng, đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi vẫn luôn sát cánh bên các sĩ tử.

Chiều nay, Bộ GD-ĐT họp báo công bố một số thông tin quan trọng trong kỳ thi vừa qua. Đồng thời, đề thi và đáp án chính thức các môn thi sẽ được Bộ công bố ngay trong tối cùng ngày. (Tin, ảnh: THU HÀ)

* Ngày thi cuối cùng của kỳ thi, thời tiết TP Hồ Chí Minh khá mát mẻ, giao thông ổn định, không có ùn tắc, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm tốt, tạo điều kiện cho các thí sinh dự thi được thoải mái, bình tĩnh, tự tin hoàn thành buổi thi cuối cùng.

Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Trường THCS Colette (Quận 3), kết thúc buổi thi, phần lớn thí sinh đều tỏ khá hài lòng với bài thi của mình.

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi các môn Khoa học xã hội.

Nhận xét đề thi môn Lịch sử, thí sinh Trần Quốc Anh, cho biết: “Đề khá khó đối với em, câu hỏi có phần đánh lạc hướng của học sinh và hơi lạ nên em chỉ làm được 50% bài, mặc dù nội dung chỉ xoay quanh kiến thức em đã được học”.

Tự tin hoàn thành tốt 80% bài thi môn Địa lý, thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: “So với đề thi môn Lịch sử thì môn Địa lý dễ hơn và em chắc chắn đạt điểm cao hơn. Nội dung cơ bản nằm trong kiến thức em đã ôn tập. Sau khi thi môn Lịch sử, em rất lo lắng vì đề thi khó so với em, nhưng sang môn Địa lý thì em lại cảm thấy thoải mái hơn khi làm bài.”

Kết thúc buổi thi cuối cùng các môn khoa học xã hội, tại TP Hồ Chí Minh có 202 thí sinh vắng môn Lịch sử, 180 thí sinh vắng môn Địa lý, 84 thí sinh vắng môn Giáo dục công dân. (Tin, ảnh: LÊ CÚC)

* Tại TP Cần Thơ: Ngày 27-6, hơn 6.000 thí sinh tại cụm thi Cần Thơ đã dự thi bài tổ hợp khoa học xã hội. Kết thúc ngày thi cuối cùng nên hầu hết thí sinh đều có tâm lý thoải mái. Theo nhận xét chung của giáo viên và học sinh thì đề thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay dễ thở hơn cho thí sinh.

 

Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, nhiều sĩ tử cho biết đề Sử không còn cho theo kiểu sự kiện ngày tháng năm nữa mà đòi hỏi thí sinh phải tư duy mới làm được. Đề thi chủ yếu rơi vào phần kiến thức lớp 12, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Phần kiến thức lớp 11 chỉ ra tầm 5, 6 câu, tập trung vào khoảng thời gian 1858-1914; phần kiến thức lớp 12 lịch sử thế giới chủ yếu từ Chiến tranh thế giới thứ Nhất đến Chiến tranh thế giới thứ Hai. Thí sinh Hoàng Bảo tại cụm thi này cho biết đề Lịch sử năm nay chỉ cần ôn đầy đủ là có thể đạt hơn 7 điểm, tập trung vào phần lớp 12 giai đoạn 1945-1975.

Đối với môn Địa lý, thí sinh Mỹ Duyên ở điểm thi Trường THPT Thạnh An, Cần Thơ cho hay đề khá dễ, chỉ cần biết khai thác Atlat và công thức là có thể được 5-7 điểm, đề tập trung vào phần 6 vùng kinh tế. Có một số câu liên quan đến khai thác tiềm lực kinh tế rừng và biển.

Nhận xét về đề thi môn Giáo dục công dân, thí sinh Phương Anh ở điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa chia sẻ đề khá dễ, thiết thực với cuộc sống chứ không nhiều lý thuyết lan man. Đề đưa ra tình huống thực tế để thí sinh giải quyết. Tuy nhiên hơi dài. Thí sinh này nhận xét làm tốt 80%.

 

Nhận định đề thi Lịch sử năm nay, cô Phạm Thị Thu Hồng, giáo viên chuyên Sử, Trường THPT Phan Ngọc Hiển cho rằng đề thi giống với đề minh hoạ mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, các câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh, không vượt quá kiến thức phổ thông.

Khoảng 20 câu đầu là câu hỏi cơ bản, dành cho học sinh trung bình, sau đó là các câu hỏi có sự tăng lên và độ khó, yêu cầu học sinh phải có sự tổng hợp kiến thức để giải quyết.

Nhìn chung, đề thi có sự phân loại tốt, điểm trung bình học sinh có thể đạt được từ 5-6 điểm. Học sinh khá giỏi phổ điểm sẽ dao động từ 7-8 điểm. Học sinh bảo đảm xét tốt nghiệp nhưng điểm cao sẽ không nhiều. (Tin, ảnh: THÚY AN)

* Sáng 27-6, hơn 6.000 thí sinh tại TP Đà Nẵng tham gia thi bài thi Khoa học xã hội. Với bài thi tổ hợp 3 môn Khoa học xã hội, hầu hết các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Thanh Khê (quận Thanh Khê) nhận định: Đề thi khá dài và mang tính tổng hợp kiến thức, có một số câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11.

Các thí sinh khá thoải mái, vui vẻ sau khi thi.

Thí sinh Nhân Hòa (Trường THPT Thanh Khê) chia sẻ: “Đề thi vừa sức với thí sinh, trong 3 môn, em thấy khó nhất là môn Lịch sử, còn Địa lí và Giáo dục công dân em đều làm đạt khoảng 80%”.

Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, trong buổi thi cuối cùng có tổng số 101 thí sinh vắng thi không rõ lý do, chiếm tỉ lệ 0,55%; tại tất cả các điểm thi của thành phố đều không có thí sinh, cán bộ vi phạm quy chế, không xảy ra bất kỳ sự cố nào về đề thi.

Như vậy, tại Hội đồng thi TP Đà Nẵng, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có trường hợp nào vi phạm quy chế, công tác coi thi, an ninh trật tự được bảo đảm, giao thông thông suốt.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 11-7 sẽ công bố kết quả các môn thi, ngày 17-7 công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018. (Tin, ảnh: THANH THÚY)