Trước đạo lý, cứ “ăn vụng” là có tội, dù đã “chùi mép”. Cho nên, người ta hay nói, khi thấy kẻ xấu thoát án rằng, còn có: “Tòa án lương tâm”! Pháp đình có thể bó tay nhưng “Tòa án lương tâm” thì không. Nó sẽ dày vò người đó suốt đời, trừ khi họ không có lương tâm!

Thế thì, mấy khái niệm: Pháp lý, đạo lý, lương tâm có đồng nghĩa với nhau không? Chúng liên quan với nhau ra sao? Dùng chúng để: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thế nào?

Ta hãy bắt đầu từ khái niệm sau cùng!

Lương tâm (lòng tốt, tính thiện) là thiên tính, trời sinh - “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Người ta sinh ra vốn thiện) - các cụ xưa vẫn dạy. Sau đó, do giáo dục (gia đình + nhà trường + xã hội) mới thành ra “hiền”, “dữ” - “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” - Cụ Hồ nói vậy.

Dựa vào lương tâm thiên tính ấy, đạo lý dần hình thành, để người người theo đó mà giữ mãi được cái gốc thiện trời sinh. Về căn bản nghĩa là, cái gì thuận với lương tâm thì làm, trái thì thôi, để cho lương tâm không bao giờ bị cắn rứt. Đạo lý, dù dưới dạng văn nói hay văn viết, đều là những lời thu gọn, những sự cụ thể hóa của lương tâm, cho dễ thuộc, dễ nhớ, dễ truyền dạy nhau.

Nhưng nếu chỉ dùng đạo lý, thì mới là có “lệ” mà chưa có “luật”. “Lệ” thì mỗi làng, mỗi vùng, mỗi tôn giáo, mỗi sắc tộc... mỗi khác (mà các “Hương ước”, “Lệ làng” là những ví dụ rõ nhất). Chỉ có “luật” do Nhà nước pháp quyền ban hành mới có thể bắt cả nước tuân theo. Đó là Quốc pháp. Tiến lên nữa, các nhà nước pháp quyền hợp tác - liên minh - liên kết với nhau, lập ra các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, tòa án quốc tế...) để giải quyết các công việc, vụ án liên quốc gia; giúp giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu. Một Quốc pháp tốt, phải điều hòa được lợi ích với mọi thứ “lệ” ở nước ấy để mọi người, mọi làng, mọi vùng, mọi tôn giáo, mọi sắc tộc ở trong nước (tính theo đa số) chấp nhận, tuân thủ. Một luật quốc tế tốt, cũng phải điều hòa, thỏa thuận, thỏa hiệp được với đa số quốc gia, để quốc gia nào ký vào thì phải chấp nhận, tuân thủ. Thế là, lương tâm đẻ ra đạo lý (hình ảnh thu gọn của lương tâm), rồi loài người mới làm ra luật.

Nhưng sau khi có luật rồi mà bỏ, không còn chăm sóc đạo lý (cả tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, lối sống) nữa thì có được không? Chắc chắn là không! Vì:

Chăm sóc đạo lý tức là chăm sóc lương tâm.

Chăm sóc đạo lý tức là chăm sóc gốc của pháp lý, tức là không để luật rời xa gốc rễ. Hiện tượng thấy chỗ nào luật hở là “chui”; cứ thấy chỗ nào vắng người thực thi pháp luật là lách! Luật khi ấy dễ là thứ vô hồn!

Và, vì không luật nào mà không có lúc, có chỗ bị hở; không phải ở đâu lúc nào cũng có người thực thi pháp luật chặt chẽ, chưa nói, lúc ấy, chính những người thực thi pháp luật cũng chưa chắc còn chuẩn nữa (!), nên đã mở cửa cho “lợi” chen vào, chèn ép luật, bóp méo luật, lách luật...!

Thế là: Tu thân hỏng. Tề gia hỏng. Trị quốc khó thành. Vậy còn bàn gì tới việc “bình thiên hạ” nữa!

ĐỖ TRUNG LAI