Tác hại của việc chọn sách tham khảo không đúng
Đến một số nhà sách lớn, có tiếng ở Hà Nội, chúng tôi thấy cả trăm đầu sách tham khảo của nhiều nhà xuất bản cùng ấn hành. Mỗi môn học, một nhà xuất bản có đến hơn 10 đầu sách. Riêng môn Ngữ Văn lớp 12 có đến hơn 50 đầu sách tham khảo của một số nhà xuất bản, như: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục, NXB Đại học Sư phạm. Ví dụ: "Tập hợp các bài văn hay", "Tập hợp các bài văn mẫu", "Những bài văn nghị luận sâu sắc", "Tập hợp đề thi tuyển sinh và hướng dẫn"... Việc có quá nhiều sách tham khảo dẫn tới tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khiến cho người mua không biết chọn loại sách tham khảo nào thật sự có ích. Nhiều học sinh đã dựa vào sách tham khảo tìm lời giải hoặc copy những bài tập văn mẫu để làm trên lớp, khiến cho kiến thức ngày càng thui chột và tạo tâm lý ngại tư duy, động não.
Cùng với đó, do mua quá nhiều sách tham khảo dẫn đến việc học tập cũng như ôn thi bị dàn trải, không bám sát nội dung của sách giáo khoa, nên việc thi cử của học sinh gặp khó khăn. Dạo quanh một vòng các thị trường sách, chúng ta dễ dàng bắt gặp một “rừng” sách tham khảo từ lớp 1, 2 thậm chí là giáo dục mầm non cũng đã có sách bồi dưỡng, tham khảo. Quả thật, lạc vào "rừng sách tham khảo" tôi không biết đâu là sách cần cho con em mình. Nếu nhìn trên giá sách tham khảo được bầy bán với đủ tên gọi rất bắt mắt, như: Cho bé chuẩn bị vào lớp 1, làm quen với toán, hướng dẫn cách giải các bài toán khó, để phát triển IQ, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh giỏi… quyển nào trong lời giới thiệu cũng hay, "hút hồn" người có nhu cầu, tôi muốn mua tất cả.
Trên kệ sách phần lớn là các loại sách tham khảo.
Trong khi đó, có không ít cuốn sách tham khảo ở dạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, sách viết là nâng cao, nhưng bài tập lại không khác gì so với sách giáo khoa hay sách ôn tập. Cầm trên tay cuốn sách tham khảo: "Vở bài tập Toán nâng cao lớp 4" (tập 1) của Nhà xuất bản Đà Nẵng. Ngoài bìa là sách tham khảo, nâng cao dành cho học sinh giỏi, nhưng nội dung sách lại rất đơn giản. Ngay trang 3 và trang 4 của sách dành cho học sinh giỏi lớp 4 này lại chỉ là bài toán đếm số đến 100.000. Hay như, cuốn sách: "Những bài toán đố lớp 4" của Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh dành cho học sinh lớp 4 nhưng lại có bài toán đơn giản như: "Một cửa hàng buổi sáng bán được 346kg gạo, buổi chiều bán được 228kg gạo. Hỏi cả hai buổi bán được bao nhiêu ki-lô-gam gạo?". Đây là phép toán đơn giản, học sinh lớp 1 cũng có thể làm được. Lo ngại nhất là ở một số cuốn sách tham khảo, người ta cho in ngay lời giải phía dưới các bài tập. Việc dùng những loại sách này quả thật "lợi bất cập hại", gây tâm lý thụ động, lười suy nghĩ của học sinh.
Chị Bùi Thu Hương, Giáo viên Trường Tiểu học Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Hiện nay, không ít học sinh đang lạm dụng sách tham khảo. Nhất là đối với môn Văn, các em đã làm theo hướng dẫn, khung bài sách tham khảo mà không hề có sự sáng tạo của bản thân. Khi giáo viên đưa ra đề mở hoặc viết về những hiện tượng ngay tại quê hương, gia đình mình thì chất lượng giảm rõ rệt.
Sách tham khảo phải phù hợp với năng lực
Nguyên nhân chính dẫn đến những sách tham khảo không bảo đảm nội dung, hình thức chính là do sự quản lý của các nhà xuất bản. Bên cạnh những nhà xuất bản có uy tín trong việc xuất bản sách tham khảo, có khá nhiều nhà xuất bản chỉ chạy theo lợi nhuận, không kiểm soát được nội dung ấn phẩm của mình.
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh, Phó giám đốc phụ trách nội dung Công ty Cổ phần sách Giáo dục tại TP Hà Nội-Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam: Sách tham khảo phải bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Để sách tham khảo có chất lượng tốt, khâu đầu tiên là lựa chọn tác giả có uy tín, tâm huyết, có kiến thức chuyên môn sâu và bám sát nhà trường phổ thông. Bởi vì, tính vừa mức của sách tham khảo rất quan trọng, tác giả có bám sát nội dung học ở các nhà trường mới có thể biết học sinh trung bình học như thế nào là vừa và sách cho đội tuyển học sinh giỏi phải ra sao? Tiếp đến là khâu biên tập, đây là khâu đặc biệt quan trọng. Các biên tập viên phải kiểm soát cả về kênh hình và kênh chữ. Các biên tập viên phải có nghề về sư phạm, kiểm soát nội dung tác giả đưa đến và tư vấn cho tác giả về nội dung. Biên tập viên giỏi, chắc về kiến thức thì xuất bản phẩm sẽ thật sự có chất lượng, bảo đảm tính sư phạm, văn hóa và tính giáo dục cao.
Học sinh loay hoay không biết chọn sách tham khảo nào cho phù hợp. (Ảnh chụp tại nhà sách FAHASA trên đường Xã Đàn, TP Hà Nội).
Hiện nay, thị trường sách tham khảo rất nhiều, trong đó có những cuốn sách tham khảo chỉ chú trọng hình thức, giật tít rất “kêu”, nhưng nội dung thì sơ sài. Chính vì vậy, kinh nghiệm chọn sách tham khảo phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh và nhà trường. Chúng ta cần nắm được năng lực học đến đâu, các em học sinh cần gì, yếu môn nào để mua sách tham khảo cho phù hợp. Ngay thềm năm học mới, ở một số trường các thầy giáo, cô giáo đã gợi ý cho học sinh chọn mua sách theo đề mục và tên tác giả. Đây là định hướng tốt để các em có thể tìm hiểu thêm những kiến thức sát với nội dung học tập trên lớp.
Về phần mình, các bậc phụ huynh hãy đồng hành cùng con chọn sách tham khảo của các nhà xuất bản uy tín. Nếu không nắm được thông tin về tác giả, phụ huynh có thể đến hiệu sách của các nhà xuất bản sẽ được tư vấn. Học sinh, khi chọn sách cần tham khảo tư vấn của thầy giáo, cô giáo để tìm được cuốn sách thực sự có giá trị. Các em có thể gọi điện đến ban biên tập, lên trang web, fanpage của các nhà xuất bản để hỏi, sẽ có đội ngũ biên tập viên tư vấn về cách chọn sách.
Bài và ảnh: HỒNG ANH - HUYỀN TRANG