Như vậy, thời điểm bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới từ năm học 2019-2020, chậm 1 năm so với Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII đã đề ra. Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ này, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đó là do xây dựng chương trình GDPT theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng. Quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên ngành giáo dục cần có thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc chậm trễ trên còn xuất phát từ việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm, ban hành chương trình GDPT và SGK của cơ quan chức năng chưa bảo đảm theo lộ trình, tiến độ đặt ra; riêng việc ban hành chương trình tổng thể GDPT mới đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đáng nói hơn là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88.
Nước ta đã qua mấy lần đổi mới chương trình GDPT và SGK, nhưng chưa lần nào đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của toàn xã hội. Gần đây nhất, chúng ta từng có bài học về việc do chưa chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/2010/QH10 của Quốc hội khóa X về đổi mới GDPT và SGK còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Mục tiêu của đổi mới GDPT và SGK lần này nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Vì vậy, việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng, thận trọng, chu toàn, chúng ta càng có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Đổi mới chương trình GDPT và SGK là công việc hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh và liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai của quốc gia nên không thể làm nôn nóng, chủ quan. Đúng như người xưa từng đúc kết “dục tốc bất đạt”, tức là làm việc gì quá vội vàng thì khó có thể đạt kết quả như mong muốn. Thế nhưng, trong xu thế hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thời cơ và cả thách thức cho nền giáo dục toàn cầu (trong đó có Việt Nam), thì đòi hỏi chúng ta không được phép chậm trễ hơn trong việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế đó đòi hỏi ngành giáo dục và các tổ chức, cá nhân liên quan phải đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc được giao để bảo đảm việc áp dụng chương trình GDPT và SGK mới đúng lộ trình cam kết. Mọi sự lề mề, rềnh rang, “đủng đỉnh như chĩnh trôi sông” trong việc thực hiện chương trình hệ trọng này sẽ làm cho nền giáo dục nước nhà có nguy cơ tụt hậu xa hơn với nền giáo dục thế giới.
Thạc sĩ NGUYỀN VĂN THI