Sẵn sàng cho năm học mới

Còn nhớ "bão" dịch Covid-19 ập xuống huyện nghèo Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đầu tháng 5 vừa qua khiến cho cuộc sống và sinh hoạt của hàng nghìn người dân rơi vào khủng hoảng, xáo trộn. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học Phìn Hồ, xã Phìn Hồ lúc ấy được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung cho hơn 100 công dân, trong đó có các em học sinh. Trước tình cảnh đó, với tinh thần tương thân tương ái, giúp sức các em học sinh vượt qua khủng hoảng về tâm lý và dịch bệnh, 46 cán bộ, giáo viên nhà trường đã tình nguyện test kết quả âm tính với Covid-19 và xung phong ở lại hỗ trợ chống dịch tại nhà trường dù lúc đó đang nghỉ hè. Nghĩa cử quên mình vì các em học sinh của các thầy và cô giáo lúc đó đã khiến nhiều bậc phụ huynh xúc động.

"Bão" dịch Covid-19 đi qua, chưa tròn 1 tháng sau, ngay sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất, các thầy cô giáo của nhà Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phìn Hồ lại trở về trường lớp bắt tay vào dọn dẹp, trang trí đồ dùng họ tập, phun khử khuẩn sạch sẽ khuôn viên nhà trường để chuẩn bị đón 596 em học sinh quay trở lại trường. Một số em học sinh do ở xa, bố mẹ đi làm ăn xa, các thầy cô lại phải băng rừng, lội suối đến từng nhà vận động các em đến trường. "Vất vả là vậy nhưng các thầy cô giáo nhà trường không quản khó khăn, đường sá xa xôi, đêm hôm tận tụy vì các con. Sáng nay (5-9) nhà trường đã tổ chức khai giảng năm học mới. Nhà trường đã sẵn sàng bước vào năm học mới với khí thế quyết tâm, hy vọng", thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phìn Hồ cho hay.

leftcenterrightdel
Các cô giáo và học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tân Phong, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ trong buổi sáng khai giảng năm học mới ngày 5-9-2021.

leftcenterrightdel
 Ngày đầu tiên năm học mới của các em học sinh ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Thu Lũm là xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Được biết, năm học 2021-2022, Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm có 224 học sinh theo học tại 8 lớp, 100% là học sinh dân tộc Hà Nhì, La Hủ. Những ngày qua, để các con bước vào năm học mới, cán bộ, giáo viên đã tổ chức sắp xếp, vệ sinh trường lớp, vận động học sinh ra lớp. Theo ông Đinh Ngọc Linh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm: Với mục tiêu vừa chống dịch, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, nhà trường đã tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên hạn chế ra khỏi địa bàn, tuyệt đối không đi lại vùng có dịch. Đối với cán bộ, giáo viên nhân viên đang thực hiện chế độ nghỉ phép phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định, thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi ra khỏi tỉnh và tuân thủ các quy định. Được biết, để các em có một năm học mới ổn định hơn về cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Mường Tè đã tiếp nhận bàn giao 16 phòng học kiên cố, 27 phòng ở bán trú học sinh. Huyện cũng đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 22 phòng học, 2 bếp nấu ăn cho học sinh bán trú bị xuống cấp. Đến thời điểm hiện tại, thầy cô và học sinh nhà trường đã bước vào năm học mới với niềm tin hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

Linh hoạt các hình thức dạy học

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 200.000 học sinh các cấp. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên trước khi tựu trường các trường đều làm tốt công tác phun phòng, khử khuẩn vệ sinh trường lớp, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch. Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức rà soát, bố trí sắp xếp để khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 9.856 phòng học tập và phòng hỗ trợ học tập. Trong đó, phòng kiên cố chiếm 71,6%; phòng bán kiên cố 22,8%, còn lại phòng học tạm và mượn.

leftcenterrightdel
Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Tam Đường, Lai Châu. 

Các cơ sở giáo dục từ các huyện, xã, thị trấn đã chủ động thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch (khẩu trang, máy đo thân nhiệt, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn, nguồn nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh, bồn rửa tay...). Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học, Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh tại địa phương; linh hoạt trong áp dụng hình thức tổ chức dạy học (trực tiếp, trực tuyến, giao nhiệm vụ có hướng dẫn).

leftcenterrightdel
Cô giáo và học sinh Trường Mầm non Ma Thì Hồ (Mường Chà, Điện Biên). 

Đến ngày 5-9, tình hình dịch bệnh Covid-19 tỉnh Sơn La vẫn diễn biến phức tạp, trước đó UBND tỉnh Sơn La đã quyết định tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021- 2022 theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La. Các trường học tổ chức dự khai giảng tại trường gọn nhẹ, thành phần không quá 30 người. Khai giảng tập trung tại Trung tâm hành chính tỉnh và điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Việc học tập diễn ra trên lớp bình thường. Riêng với huyện Phù Yên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 nên sẽ theo dõi lễ khai giảng trực tuyến qua truyền hình tại nhà. Việc dạy học được sẽ được tiếp tục khi dịch bệnh được giải quyết. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đã lên phương án dạy học trực tuyến.

Cho đến thời điểm này, các trường học trên các tỉnh Tây Bắc như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên đã sẵn sàng bước vào năm học mới. Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo của các cấp, sự nhiệt huyết, lòng thương yêu con trẻ của các thầy cô giáo đang tiếp sức giúp học sinh vùng cao vững tin đến trường, yên tâm bước vào năm học mới với khí thế và hy vọng tràn đầy.

Bài, ảnh: PHẠM KIÊN - MẮN ON - HÀ THUẬN