Trung bình, các học sinh Phần Lan chỉ dành 2,8 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà. Trong khi đó, ở Mỹ, một quốc gia có nền giáo dục được đánh giá là phát triển, học sinh phải dành 6,1 giờ/tuần để học ở nhà. Trên lớp, luật pháp Phần Lan quy định, cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn.
Với một nền giáo dục đó, chỉ trong 3 thập kỷ, Phần Lan đã vươn từ một nền giáo dục thấp nhất châu Âu lên đứng đầu thế giới. Tất nhiên, đất nước Phần Lan mang nhiều đặc điểm khác chúng ta về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Vì thế, chúng ta không thể rập khuôn mô hình giáo dục của Phần Lan, hay bất cứ nền giáo dục nào khác vào Việt Nam. Tuy nhiên trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, mục tiêu cao nhất của tất cả các nền giáo dục trên thế giới đều là trang bị kiến thức nền cho học sinh. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tìm những đặc điểm thích hợp của nền giáo dục Phần Lan để ứng dụng vào Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Đó có thể là giảm tải chương trình học. Thực tế, dù đã cải tiến nhiều lần nhưng chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam vẫn quá nặng. Bằng chứng là, để hoàn thành chương trình học, ngoài thời gian học ở trường, những học sinh cấp THCS và THPT bình thường luôn phải dành một phần đáng kể thời gian ở nhà cho việc làm bài tập. Ở đây, dù không có con số thống kê chính xác nhưng những người quan tâm tới nền giáo dục nước nhà đều biết rằng, số giờ làm bài về nhà của học sinh Việt Nam luôn gấp nhiều lần so với học sinh Phần Lan.
Mục tiêu của giáo dục phổ thông vốn là trang bị kiến thức nền cho học sinh. Để từ đó, lên các bậc học cao hơn, người học sẽ tìm hướng trang bị kiến thức chuyên sâu theo nhu cầu. Vì thế, việc “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức trong 12 năm học phổ thông thực sự không cần thiết. Thậm chí, việc ấy có thể phản tác dụng, gây ra tâm lý “sợ” học của học sinh.
Học sinh là những người ở độ tuổi nhỏ, chưa có khả năng chịu áp lực công việc. Do đó, luôn cần sự cân bằng giữa học tập và giải trí một cách lành mạnh. Nếu thiên về bất cứ bên nào, đều có thể khiến kết quả học tập bị ảnh hưởng. Hơn nữa, con người nói chung có xu hướng làm tốt những công việc có hứng thú. Và tất nhiên, ngược lại, những công việc bị gò ép thường cho kết quả không cao. Vì thế, việc tạo hứng thú học tập có thể còn quan trọng hơn cả chuyện nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào đầu học sinh. Những kinh nghiệm quý từ giáo dục của Phần Lan rất đáng để chúng ta học hỏi, tham khảo.
HUY ĐĂNG