Gần đây, tại một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An… xảy ra việc phụ huynh xông vào tận trường để chửi mắng, xô xát, thậm chí hành hung gây thương tích đối với giáo viên. Hành vi đó không chỉ là biểu hiện coi thường pháp luật, mà còn chà đạp lên đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Tìm hiểu được biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi sai phạm này là do phụ huynh bênh vực, bảo vệ con một cách nông nổi, thiển cận.

Trong xã hội hiện đại, hầu hết các gia đình, nhất là các gia đình trẻ ở khu vực đô thị thường đẻ 1 hoặc 2 con. Vì ít con nên không ít ông bố, bà mẹ thường có tâm lý cưng nựng, chiều chuộng, bao bọc con trẻ trên mức bình thường. Vẫn biết con sinh ra là một phần máu thịt của cha mẹ, nên việc thương con cũng là lẽ tự nhiên, thường tình. Tuy nhiên, thương yêu con không đúng lúc, đúng chỗ và không thường xuyên dạy bảo, giáo dục con đúng mực, biết điều hay lẽ phải, kính trên nhường dưới, kính thầy yêu bạn… thì vô hình trung cha mẹ đã “tiêm nhiễm” cho con những thói hư tật xấu. Nói về việc nuôi dạy con cái, ông cha ta đã có những câu khuyên răn chí tình chí nghĩa: “Dạy con từ thuở còn thơ”, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Cái sự “cho roi, cho vọt” ở đây nên hiểu không phải là bạo lực với con mà là thái độ, phương pháp rèn luyện, giáo dục con một cách nghiêm khắc, đến nơi đến chốn. Cha mẹ thương yêu con nên để ở trong lòng, chứ không nên “vỗ về” ra mặt, lúc nào coi con cũng như “quý tử”, chẳng biết con đúng sai ra sao mà vẫn bênh con chằm chặp. Nếu lúc nào cũng cho con trẻ “ngọt bùi” thì chúng cũng chỉ biết tận hưởng những thứ “ngon lành” trong cuộc đời mà không biết thế nào là gian nan, vất vả của cuộc sống, là giá trị của sức lao động và những đồng tiền do mồ hôi, nước mắt của cha mẹ làm ra để nuôi dưỡng chúng. Từ đó con trẻ dễ mắc những “căn bệnh” như ích kỷ, biếng nhác, thờ ơ, vô cảm với đồng loại…

Người xưa từng cảnh báo các bậc làm cha, làm mẹ rằng, chớ để “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Các bậc tiền nhân cũng đã nhắc nhở: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá” - nghĩa là nuôi con mà không dạy dỗ là lỗi của người cha. Lại nữa, “bé không vin cả gãy cành”. Cái cành cây không vin, không uốn từ lúc nhỏ, cứ để ngả nghiêng mặc sức thì khi gặp gió to bão lớn sao chống đỡ nổi? Cũng như con trẻ, nếu không chỉ bảo, giáo dục, đưa vào khuôn phép kỷ cương ngay từ thời niên thiếu thì lớn lên dễ trở nên khó dạy, hư hỏng. Những lời đúc kết của ông cha thấm thía như vậy, liệu các bậc cha mẹ trẻ thời nay có khắc cốt ghi tâm hay bỏ mặc ngoài tai?

Con trẻ là niềm vui, lẽ sống, hạnh phúc, tương lai của các bậc phụ huynh. Yêu thương, chăm sóc, giáo dục con trẻ không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của cha mẹ mà còn là nghĩa vụ của người công dân đối với thế hệ tương lai của đất nước. Ngoài sự giáo dục của nhà trường, xã hội thì sự quan tâm dạy bảo, dìu dắt, rèn luyện của cha mẹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành, xây dựng nhân cách cho trẻ nhỏ. Do vậy, yêu thương con đúng mực, chăm sóc con chu đáo, giáo dục con đến nơi đến chốn chính là chiếc “chìa khóa” để mở cánh cửa tương lai tốt đẹp cho con.

BẢO NHƯ