Bắt đầu từ số báo hôm nay, song hành với việc thông tin các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân sẽ ra mắt các chuyên mục về EURO 2020 trên các ấn phẩm của báo. Rất mong sự đón nhận và trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc gần xa.

Vượt lên thách thức

Phải hoãn đúng một năm vì đại dịch Covid-19, cuối cùng ngày hội EURO 2020 đã đến, thỏa lòng mong đợi của người hâm mộ. Không chỉ là niềm vui giải trí như mọi mùa, EURO năm nay mang ý nghĩa đặc biệt, vừa là thành quả, vừa là sự động viên, liên kết của các quốc gia châu Âu và cả thế giới trong phòng, chống đại dịch. Kết nối và biểu dương sức mạnh con người là bản chất và sứ mệnh của bóng đá. Một năm rưỡi dài đằng đẵng các sân cỏ châu Âu không được mở cửa đón người xem, thiệt hại đối với bóng đá và công chúng là không thể đong đếm được. Nhưng bóng đá vẫn tồn tại vì công chúng và do công chúng. Để có được điều này là không biết bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu bài học để xã hội và bóng đá an toàn. An toàn để tồn tại và vẫn phát triển.

Trước thềm EURO 2020, đội tuyển Pháp đã đè bẹp Bulgaria 3-0 trong trận giao hữu. Ảnh: Getty Images 

Tại kỳ EURO này, mục đích đưa bóng đá, đưa EURO nhân kỷ niệm 60 năm ra đời đến nhiều hơn các quốc gia với việc tổ chức vòng đấu bảng trên 11 thành phố của 11 quốc gia đã đạt được ngay trong đại dịch. Hơn thế nữa, với kinh nghiệm phòng, chống, ứng phó và kết quả khả quan về tiêm vaccine cho số lượng đông đảo người dân, Ban tổ chức EURO 2020 và lãnh đạo các quốc gia cùng các thành phố đăng cai đã khảo nghiệm rồi cho phép các sân bóng đón một tỷ lệ khán giả nhất định. Đương nhiên, dù kỳ vọng và cố gắng đến đâu thì trước nguy cơ dịch bệnh vẫn phải cẩn trọng trong mọi khâu tổ chức. Người đến sân phải tuân thủ các quy định, các fanzone chỉ được mở cầm chừng, và đã có sân bóng không đủ điều kiện phòng dịch phải nhường quyền cho sân ở quốc gia khác. Để khắc phục những khó khăn và ức chế tâm lý đối với cầu thủ trong hoàn cảnh đóng quân và tập luyện o bế ngặt nghèo tại nước Anh, một vài liên đoàn thành viên của UEFA đã lên kế hoạch cho máy bay đưa, đón họ đi, về nước mình trước và sau mỗi trận đấu...

Đội bóng nào lên ngôi?

Dù hoàn cảnh nào thì bóng đá vẫn cứ phải là bóng đá với tất cả những chuẩn mực chuyên môn vốn có. Trước ngày khai cuộc, giới quan sát đều khá thống nhất đánh giá tuyển Pháp là ứng cử viên số 1. Siêu máy tính và các hãng cá cược cũng đưa ra dự đoán và tỷ lệ như vậy. Không chỉ vì Pháp là đương kim vô địch thế giới mà quan trọng hơn, đội hình hiện tại của họ có sự đồng đều cao nhất và tất cả đều đang ở độ chín của sự nghiệp. Những diễn biến mới về nhân sự càng củng cố cho nhận định về tuyển Pháp. Trong khi trung vệ E.Laporte, trụ cột của đội vừa đoạt chức vô địch Ngoại hạng Anh Manchester City còn không được triệu tập và tuyển Tây Ban Nha lập tức chiêu mộ cầu thủ này thì tuyển Pháp lại đưa trở lại tiền đạo siêu sao của Real Madrid là K.Benzema. Pháp từng vô địch World Cup 1998 và liền sau đó đoạt ngôi vua EURO 2000 là một lý do về cơ duyên truyền thống và thực lực để cả người Pháp cùng giới hâm mộ tin vào vận hội của “Những chú gà trống Gaulois”.

Tin và hy vọng là có cơ sở, song bóng đá nói chung và EURO nói riêng luôn chứa đựng lắm bất ngờ. Gần đây, hành trình cổ tích của Đan Mạch tại EURO 1992, rồi câu chuyện xứ thần thoại Hy Lạp tại EURO 2004 là hiện thực của những bất ngờ động trời đó. EURO 2016 trên đất Pháp thì chính Pháp-ứng cử viên số 1-đã phải chịu thất bại trong trận chung kết trước đội không được đánh giá cao là Bồ Đào Nha.

Theo nhận định chung, sau Pháp là những đội bóng giàu truyền thống, song kèm theo đó là những nghi ngờ khó bác bỏ. Đương kim vô địch Bồ Đào Nha và thủ lĩnh, chân sút số 1 C.Ronaldo vẫn mạnh mẽ, hiệu quả nhưng cả đội đã có dấu hiệu của sự già nua, thiếu cái mới cả về nhân sự lẫn lối chơi. Tuyển Đức ở năm cuối cùng trong tay HLV H.Loew bị cho là không mạnh như những mùa đỉnh cao. Tây Ban Nha cũng vậy, thời tiqui-taca bay bổng đã qua. Italy làm mới hàng tiền vệ và tiền đạo nhưng xem chừng chưa tới. Tuyển Bỉ đang đứng ở vị trí số 1 thế giới trong bảng xếp hạng “rất tương đối” của FIFA, song kinh nghiệm và bản lĩnh ở đấu trường châu lục là điều không được đánh giá cao. Còn tuyển Anh, trẻ trung, đang lên đấy, vậy nhưng, xuyên suốt lịch sử họ luôn bị những lực cản gì đó không thể lý giải ngăn trở. Giải Ngoại hạng tuyệt hay, năm nay hai đội bóng Anh đã ngự trị Champions League, giải đấu cao nhất cấp độ câu lạc bộ châu Âu, song đó là đều là những CLB mang tính chất “liên hợp quốc” với số đông cầu thủ nước ngoài. Từ năm 1966, năm tuyển Anh vô địch thế giới đến nay, chưa bao giờ họ lên ngôi cao nhất ở bất cứ giải đấu quốc tế nào. Ấy là chưa kể cái dớp chủ nhà không vô địch của các kỳ EURO. Mùa này, các trận bán kết, chung kết đều sẽ đá trên xứ sương mù nên nếu vào sâu trong giải, tuyển Anh lại gặp cái dớp ấy hay chiếc vòng kim cô vô hình của châu Âu...

Còn số phận các đội bóng khác, bị cho là yếu hơn sẽ ra sao? Hãy xem những lời phân tích của Jamos Kele, một chuyên gia bóng đá của Hungary: “EURO 2020 là giải đấu kỳ lạ. Các đội bóng lớn bị bào mòn thể lực, không có sự chuẩn bị và thiếu gắn kết. Trong khi đó, đây là thế mạnh của chúng tôi”. Mùa này, Hungary phải nằm trong “bảng tử thần” cùng Pháp, Bồ Đào Nha và Đức. Cứ theo cách nhìn thông thường, Hungary sẽ chỉ là kẻ lót đường. Nhưng hãy nhớ lại, kỳ EURO gần nhất, đội bóng này đã đứng nhất bảng, trên cả Bồ Đào Nha. Năm nay, Hungary lại là đồng chủ nhà.

Vốn khôn lường, mùa EURO năm nay càng khôn lường, khó đoán định, nhất là khi xu hướng thực dụng đang lấn lướt. Nhưng chắc chắn trận nào cũng lý thú và không thiếu bất ngờ.

NGUYỄN MẠNH