HLV Phạm Minh Đức: Đội tuyển Anh và Đức gặp nhau trong bối cảnh cả hai thi đấu khá chật vật, không được đánh giá cao tại Euro 2020. Trước khi R.Sterling ghi bàn thì thế trận đôi bên tạo ra khá cân bằng và theo tôi kết quả hòa sau thời gian thi đấu chính thức sẽ phản ánh đúng cục diện hơn. Tuy nhiên, đội tuyển Anh đã biết chắt chiu cơ hội và việc họ tiếp tục phụ thuộc vào R.Sterling là có cơ sở. Trái lại, đội tuyển Đức có quyền tiếc nuối bởi nếu T.Muller ghi bàn trong tình huống đối mặt thủ môn đối phương thì cục diện trận đấu đã khác. Tất nhiên, trong bóng đá không có từ "nếu như" và đội giành chiến thắng luôn xứng đáng.
Việc đội tuyển Ukraina vượt qua Thụy Điển để góp mặt tại tứ kết Euro 2020 có công lớn từ HLV A.Shevchenko khi ông sử dụng chiến thuật 3 trung vệ với đội hình 3-5-2. Với lối chơi này, khi hai cầu thủ chạy lúc hỗ trợ tấn công, khi lùi phòng ngự, tạo nên thế chắc chắn, linh hoạt hơn chiến thuật 4-3-3 như ở vòng bảng. Hơn nữa, việc O.Zinchenko được trả lại vị trí sở trường chạy cánh trái đã giúp cầu thủ này phát huy tối đa tài năng của mình và bàn thắng mở tỷ số là minh chứng. Nếu Thụy Điển không bị mất người ở phút 99, tôi tin rằng những phút còn lại họ có “cửa” để thắng Ukraina.
Cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam: Đến lúc này, HLV G.Southgate đã ghi dấu ấn chiến thuật ở đội tuyển Anh. Rõ ràng, tuyển Anh lúc này không có những tiền vệ trung tâm tài hoa, kỹ thuật để thực hiện lối chơi kiểm soát bóng, tấn công mãn nhãn. Vậy nên, lựa chọn đá chắc chắn, sẵn sàng đối mặt với hiệp phụ và cả những loạt luân lưu may rủi là hợp lý với "Tam sư". So với Đức, tuyển Anh có nhân tố tạo đột biến đó chính là R.Sterling. Cậu ta quá hay với đường bóng đột phá táo bạo giữa vòng vây đối phương. Dù chỉ phải gặp Ukraina ở tứ kết nhưng tôi cho rằng, đội tuyển Anh vẫn chơi thực dụng thế thôi. Họ vẫn sẽ thi đấu chắc chắn chờ cơ hội từ những cái tên có thể gây đột biến là R.Sterling hay J.Grealish.
HOA LƯ (ghi)