Bên cạnh các đội bóng lớn đã khẳng định được sức mạnh là Italy, Hà Lan, Bỉ... thì những nền bóng đá không được đánh giá cao đã ít nhiều để lại dấu ấn như: Scotland, Phần Lan, Hungary, Đan Mạch... Xem Euro 2020 mới thấy trình độ bóng đá của lục địa già hơn hẳn nhiều lần so với bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Các cầu thủ châu Âu có thể lực sung mãn, thể hình lý tưởng và họ hoạt động dường như không biết mệt mỏi suốt cả trận đấu. Từ thể lực, chiến thuật, kỹ thuật trong mỗi trận đấu của họ đều được vận dụng rất bài bản, khoa học.

 Cầu thủ Hà Lan chia tay cầu thủ G.Pandev chơi trận cuối cho Bắc Macedonia.Ảnh: Getty Images

Theo thống kê, mỗi cầu thủ chơi bóng trong một trận đấu tại Euro 2020 trung bình di chuyển quãng đường từ 9 đến 12km. Con số này hơn hẳn cầu thủ bóng đá Việt Nam vốn chỉ chạy được khoảng từ 5 đến 6km/trận và vài năm trở lại đây đã tăng lên từ 6 đến 8km/trận. Gần nhất trong trận gặp UAE tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng ta đã thấy rõ khác biệt về mặt thể lực, tốc độ của đội tuyển Việt Nam so với đối thủ. Điều mà bóng đá Việt Nam có thể tự hào sánh ngang với bạn bè quốc tế là yếu tố kỹ thuật và đặc biệt là tinh thần thi đấu không bỏ cuộc vì màu cờ sắc áo. Dù bóng đá Việt Nam đang đứng trên đỉnh cao nhất trong lịch sử với tấm vé vào vòng loại cuối cùng World Cup, thì HLV Park Hang-seo vẫn chỉ ra nhiều vấn đề, đó là đội tuyển Việt Nam cần một chuyên gia dinh dưỡng và một chuyên gia về tài chính. Lâu nay, cầu thủ bóng đá Việt Nam thường ăn uống theo sở thích, chưa tuân thủ những quy định ngặt nghèo mà mỗi cầu thủ chuyên nghiệp cần có. Từ chỗ ăn cho “sướng miệng” thì cầu thủ cần phải nắm rõ quy tắc ăn làm sao cho đủ chất để tập luyện và thi đấu; sinh hoạt sao cho điều độ, không ảnh hưởng đến sự phát triển của thể trạng...

Tôi từng là một cầu thủ, rồi huấn luyện viên của Thể Công. Sau này khi xuất ngũ, tôi đi làm báo thể thao cũng có nhiều gắn bó với bao thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi có thể khẳng định chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại có tiềm lực phát triển mạnh như hôm nay. Từ một nền bóng đá bị đánh giá là cầu thủ chỉ thi đấu được một hiệp, bạo lực sân cỏ rồi “bóng ma” bán độ bao trùm, đến nay bóng đá Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để đứng đầu khu vực Đông Nam Á, từng bước bắt kịp các nền bóng đá lớn trong châu lục. Chúng ta đã sở hữu những cầu thủ chất lượng ở tầm châu Á và đạt thành tích thi đấu quốc tế đáng tự hào. Ngoài sở hữu một nhà cầm quân tài giỏi, kết quả trên là thành quả bước đầu bởi công tác đào tạo trẻ bài bản, lấy đào tạo làm gốc thay vì phương pháp “ngắt ngọn” như trước đây.

Tất nhiên, những gì đẹp đẽ nhất, quyến rũ nhất của bóng đá Việt Nam lại đang đến từ các đội tuyển quốc gia (U.22, U.23, đội tuyển quốc gia). Nhìn lại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, không ít người chạnh lòng khi V-League, giải hạng Nhất vẫn thua xa so với hệ thống giải đấu của Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore. Số lượng trọng tài cấp FIFA năm 2021 của Việt Nam chỉ là 2 người, thua cả nền bóng đá được đánh giá thấp hơn là Lào (3 người), Philippines (3 người), Myanmar (4 người)... Hầu như mùa bóng nào V-League cũng xảy ra tình trạng đội bóng tố trọng tài bắt chẹt, “cơn bão” chấn thương, thẻ phạt và án phạt...

V-League lâu nay vốn được xem là giải đấu quyết liệt, vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bạo lực sân cỏ. Có ý kiến sẽ phản biện rằng, cầu thủ thi đấu hết mình vì sắc áo của các câu lạc bộ nên không thể tránh khỏi việc gây chấn thương cho đối phương. Xin thưa, ở Euro 2020 cũng đâu thiếu những pha bóng quyết liệt. Nói về việc thi đấu vì màu cờ sắc áo cho quê hương, cho câu lạc bộ thì bất cứ nơi đâu, nền bóng đá nào cũng thế thôi. Nhưng tại Euro 2020, cầu thủ chơi bóng quyết liệt dựa trên tinh thần tuân thủ luật thi đấu. Hiếm khi chúng ta nhìn thấy những pha vào bóng ác ý, tình huống triệt hạ đối phương, hay vào bóng bằng hai chân từ phía sau... Thi thoảng có tình huống quá quyết liệt, cầu thủ lập tức bị trọng tài phạt nặng.

Vậy bóng đá Việt Nam có thể học được gì tại Euro 2020? Tôi cho rằng, về trình độ sẽ là câu chuyện dài được tính bằng vài thập niên, nhiều thế hệ cầu thủ không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể học được. Điều đầu tiên chúng ta cần phải học họ là cách tổ chức trận đấu, thi đấu cùng cách hành xử chuyên nghiệp cả trong và ngoài sân cỏ. Để có một nền bóng đá phát triển thì trước hết mỗi người trong cuộc cần phải tôn trọng luật thi đấu, cầu thủ tôn trọng nhau khi chơi bóng cũng như là cách để tự bảo vệ chính mình. Hãy nhìn Euro 2020, nơi các cầu thủ ít khi được sát cánh cùng nhau tại đội tuyển quốc gia, song mỗi khi được thi đấu, họ luôn đặt sự chuyên nghiệp lên đầu.

VŨ MẠNH HẢI

(nguyên Tổng biên tập Tạp chí Bóng đá)