Quả là tứ kết không đội nào yếu. Hai cặp trận đầu đều ngang ngửa, chỉ là chọn lối chơi khác nhau. Thụy Sĩ đã kéo Tây Ban Nha đến loạt sút luân lưu. Italy tấn công ào ạt thì Bỉ cũng mở những đợt phản công tưng bừng. Tuy nhiên, phần thắng đã thuộc về các đội bóng có ưu thế tấn công là Tây Ban Nha và Italy.
Kịch bản đối phó thành công với Pháp đã được Thụy Sĩ lặp lại trước Tây Ban Nha. Họ chống chịu sức ép bằng chủ động phòng ngự chiều sâu phá lối chơi của đối thủ và phản công chớp nhoáng. Đó cũng là những miếng võ cực kỳ lợi hại của bóng đá thời thực dụng, tính toán. Tại Euro này, những Đan Mạch, Hungary, Áo, Ukraine, Croatia... và đến cả đội Anh đầy tiềm lực đều đã tạo nên những bất ngờ, thậm chí là địa chấn.
Trước một Thụy Sĩ kiên cường và sắc sảo, Tây Ban Nha vẫn trung thành với lối chơi có nền móng tiqui-taca. Kiểm soát bóng đến hơn 70%, số lần dứt điểm vượt trội họ đã có bàn thắng dẫn trước ở ngay phút thứ 8 từ cú sút chạm đối thủ đổi hướng vào lưới. Cứ tưởng với xu thế này trận đấu đã thuộc hẳn về Tây Ban Nha, nhất là khi họ đã tìm cách tránh vết xe đổ của người Pháp bằng việc không dâng cao quá mà chú trọng khóa chân những "đạo diễn" và mũi nhọn lợi hại nhất của Thụy Sĩ là X.Shaqiri, S.Zuber và H.Seferovic. Vậy nhưng, nao núng hoặc liều lĩnh không phải là chất của những chiến binh núi Alps. Bề ngoài thế trận có vẻ lép vế là sự tính toán chính xác của bản tính công dân xứ đồng hồ. Đến phút 68 thì một đường chuyền hiểm của R.Freuler đã đặt X.Shaqiri vào thế rất thoáng để cầu thủ lọc lõi này dễ dàng phá lưới Tây Ban Nha.
Sau bàn gỡ hòa là sự lăn xả của cả đoàn chiến binh Thụy Sĩ để bảo vệ thành quả. Nhưng chính cách lăn xả, đá rát đó đã gây hại cho họ khi R.Freuler xoạc bóng cả hai chân vào đối thủ và phải nhận thẻ đỏ. Trong cảnh mất người, phẩm chất kiên cường đã càng khiến Thụy Sĩ hiện hình là đoàn quân thép. Không biết họ lấy đâu ra sức lực để chơi liên tiếp hai trận liền đều kéo dài hơn 120 phút. Chỉ trong hai hiệp phụ, thủ môn Y.Sommer và dàn cấm vệ của họ đã ngăn cản đến gần chục pha dứt điểm hiểm hóc. Thật tiếc, sự căng thẳng tột độ đã khiến các đôi chân Thụy Sĩ không thể thoải mái trên chấm luân lưu.
Rạng sáng 3-7, cặp đấu ngang tài ngang sức nhưng đối ngược về lối chơi giữa Bỉ và Italy diễn ra đúng với sự mong đợi của thế giới bóng đá. Hai đội quân thiện chiến đã tạo nên một trận đấu mê hồn, hay bậc nhất Euro... R.Mancini nói là làm, ông kiên quyết tung quân mở trận công phá từ đủ mọi hướng, mọi kiểu bóng ngắn bóng dài. Đối lại là màn trình diễn phản công sắc bén của De Bruyne và các chiến hữu. Quá nhanh, quá nguy hiểm, quân thiên thanh đã có bàn mở tỷ số vào phút 31 rồi bàn thứ hai ở phút 44. Một hiệp đấu tưng bừng của họ đã được quân Bỉ chặn lại ngay 1 phút sau đó. Mũi công phá hoàn toàn mới lạ tên J.Doku bứt tốc buộc hậu vệ Italy phải phạm lỗi trong vòng cấm để R.Lukaku ghi bàn rút ngắn tỷ số.
Hiệp 2 không bàn thắng nhưng không kém sôi động với những pha ăn miếng trả miếng của đôi bên. Tiếc cho Quỷ đỏ đầu đàn De Bruyne đã có một trận đấu rực sáng nhưng thủ môn và hàng hậu vệ lõi đời, ranh mãnh của Italy đã không để siêu sao này và đồng đội có thêm được bàn thắng. Thua 1-2, "thế hệ vàng" đã đưa bóng đá Bỉ lên ngôi vị số 1 thế giới gần 3 năm qua lại một lần nữa không hiện thực hóa được giấc mơ danh hiệu. Thua nhưng đá hết mình, đá hay, ấn tượng về Quỷ đỏ sẽ còn in sâu đậm trong lòng người hâm mộ.
Hai trong 4 trận tứ kết đem lại chiến thắng cho Tây Ban Nha và Italy, hai đội ít ỏi chơi tấn công đều chứng tỏ được ưu thế. Họ sẽ gặp nhau trong trận bán kết và chắc chắn tại chung kết sẽ có ít nhất một đội dám chơi và giỏi chơi tấn công. Euro 2020 càng vào sâu càng hay và hy vọng bóng đá tấn công đẹp mắt mê đắm sẽ lên ngôi.
NGUYỄN ANH