Không ai hình dung được vó ngựa Thổ Nhĩ Kỳ từng tung hoành trong các đấu trường quốc tế những thập niên qua lại rã rời, tan nát tại Euro kỳ này. Ba trận họ thua cả 3, phải nhận tổng cộng 9 bàn thua và chỉ ghi được 1 bàn. Thua Italy đã đành nhưng thua đậm, cùng mỗi trận 3 bàn trước các đối thủ ngang cơ như xứ Wales và Thụy Sĩ thì quả là không còn gì để nói. Đầu thế kỷ, chính S.Gunes là người đã dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ đoạt hạng 3 World Cup 2002 trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng 19 năm sau, trong lần trở lại này ông đã đẩy cả đoàn chiến mã kiêu hãnh xuống bùn đen. Dư luận đã và sẽ còn mổ xẻ thất bại này, trước mắt là câu chuyện ông không dùng các cầu thủ của CLB Galatasaray có truyền thống và thành tích bậc nhất bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta bảo ông ganh ghét, đố kỵ với HLV của đội bóng này là nhà cầm quân gạo cội F.Terim. Có thể đó chỉ là một nguồn cơn, song đội tuyển trong tay ông vốn không nhiều tài năng nổi trội lại rõ ràng không có được sự kết dính, không thể hiện được sự đoàn kết và ý chí chiến đấu.

Thế đấy, với thời gian mọi điều đều có thể trở thành cũ kỹ. Tàn lửa lập lòe còn sót lại từ quá khứ xa xăm không đủ thổi bùng lên quầng lửa.

Bóng đá là có thắng có thua, là phân định vui, buồn. Dẫu không còn ở đỉnh cao phong độ nhưng động lực vì màu cờ sắc áo đã làm cho những ngôi sao G.Bale, A.Ramsey cùng đội quân trẻ xứ Wales chống chọi quyết liệt trước sức tấn công của Italy để rồi chỉ chịu thua với tỷ số 0-1. Hiệu số bàn thắng-thua là +1 vừa đủ chiếm lĩnh chiếc vé chính thức thứ hai vào vòng 1/8 của bảng A, đẩy Thụy Sĩ xuống vị trí thứ 3. Dẫu gì thì xứ Wales giờ cũng đã lên được mâm trên, đáng để vui chứ khi thiên hạ từng coi họ như kẻ lót đường.

Đương nhiên, lúc này có ai phấn khích bằng người Italy. Vẫn giữ truyền thống mà lại có cách tân khối binh Azzurri hành tiến băng băng như không có gì cản nổi. Mạch bất bại lên con số 30, 3 trận vòng bảng toàn thắng, tổng tỷ số 7-0 làm bùng lên giấc mơ ngôi cao nhất cho đất nước tươi đẹp miền Địa Trung Hải. Cổ động viên đang chờ gặp nhà đương kim vô địch World Cup và cũng là đối thủ đầy duyên nợ Pháp. Dường như cứ mỗi trận qua đi họ lại được nhìn thấy đội tuyển hiện ra với những sức mạnh, vẻ đẹp mới.

Trận cuối gặp xứ Wales, R.Mancini của họ tự tin đến mức thay đến 8 cầu thủ mới. Vậy mà Italy vẫn thắng. Mới càng thấy chiều sâu, chất lượng đội hình đủ để đi xa. Một M.Verratti lần đầu ra trận tại Euro 2020 đã thể hiện tài năng, kinh nghiệm của anh hoàn toàn xứng đáng với kỳ vọng. Bên cạnh cái tên quen thuộc này là những cái tên mới mẻ khác, điển hình là M.Pessina người di chuyển khôn ngoan đưa đường bóng sút phạt từ M.Verratti, dứt điểm tinh tế vào lưới trước sự ngỡ ngàng của cả hàng rào xứ Wales lẫn người hâm mộ.

Trước trận này, dư luận đã “tính hộ” đường đi nước bước cho HLV R.Mancini rằng ông phải khôn ngoan chọn đối thủ ở vòng sau. Nhưng vị HLV này bất chấp. Italy cứ nhất bảng, các đội khác phải chọn lựa né họ chứ. Giữ mạch thắng là giữ hào khí, chiến thắng bằng đội hình 2 lại càng có sức răn đe.

Nhưng lúc này, đội quân thiên thanh không ngây ngất trên trời xanh đâu. R.Mancini rất biết cách giữ đôi chân họ trên mặt đất. Ông nhấn mạnh phía trước là những đội bóng cực kỳ mạnh, tất cả những gì đội nhà có được mới chỉ là bước đầu. Tự tin nhưng điềm tĩnh, không bốc đồng, Italy còn tiến xa.

NGUYỄN ANH