Vào Euro 2020 lần này, có biết bao nhiêu bất ngờ, biết bao thay đổi chóng mặt: Nào là phải đá trên sân cỏ 11 nước châu Âu; nào là cầu thủ Đan Mạch đột quỵ đầu giải đấu; nào là… nào là…. Đến trận chung kết thì một cổ động viên Anh quá khích đã nhảy xuống sân cỏ. Nhưng ngay sau khi xem trận mở màn Italia gặp Thổ Nhĩ Kỳ, tôi linh ứng Italia sẽ vô địch. Chỉ là linh ứng thế thôi. Trưa 9-6, ngồi uống rượu với nhà văn Thái Chí Thanh, tôi vẫn khẳng định thế. Thanh thì nghĩ Anh với lực lượng cổ động viên hùng hậu sẽ đăng quang giải Euro đầu tiên sau chức vô địch World Cup 55 năm trước (1966). Đến khi xem chung kết, tôi tự mình đoán, mặc dù hậu vệ trái của Anh đã chọc thủng lưới Italia ngay phút thứ hai, rằng sẽ đá hiệp phụ, sẽ may rủi đăng quang trên chấm luân lưu. Đến lúc ấy, cũng nhiều người vẫn nghĩ Anh sẽ đăng quang. Tôi vẫn khẳng định trong lòng rằng Italia sẽ vô địch khi thấy huấn luyện viên Anh thay vào 3 cầu thủ trẻ. Ông ta đã biếu không cho Italia chức vô địch! Ở chấm phạt đền đối diện với thủ môn, xưa nay trên thế giới không ai giao cầu thủ trẻ mà phải là cầu thủ từng trải, vì đá luân lưu đâu cần lực mà cần mưu. Nói như họa sĩ Lê Thiết Cương là cần sức mạnh của tâm pháp. Sự thực đã diễn ra như thế.

leftcenterrightdel
 Cuộc cách mạng của huấn luyện viên Roberto Mancini đã thành công mỹ mãn. Ảnh: Getty Images.

Italia vô địch Euro 2020! Đấy là sự đốn ngộ của bóng đá Italia sau thất bại ở Euro 2016 và cay đắng nhất cho đất nước có giải đấu Serie A đẳng cấp thế giới là không được dự vòng chung kết World Cup 2018. Người được Italia cử ra để đảm nhiệm trọng trách phục sinh bóng đá Italia chính là cựu tuyển thủ Roberto Mancini. Chính ông là người thay máu cho tư tưởng phòng ngự cũ kỹ mà tiếp nhận bóng đá tổng lực. Tất cả tấn công, tất cả phòng ngự. Để thay máu, Mancini đã phải cần mẫn làm bao công việc, cắn răng chịu đựng điều tiếng trên truyền thông suốt 3 năm trời. Nhưng giọt nước mắt của ông sau giây phút Italia đăng quang đã nói lên tất cả.

Trở lại mốc Euro 2016 khi Italia đã phải xách vali về nước sớm, riêng tôi không quên được theo kiểu nhớ của riêng tôi, bắt đầu từ trận đầu Italia gặp Bỉ ở vòng bảng. Trận ấy tôi xem tại Quảng Ngãi vì vào hội thảo. Trận ấy, Italia thắng. Trận thứ hai Italia gặp Thụy Điển! Tôi xem ở TP Hồ Chí Minh khi vào công việc. Italia lại thắng. Trận cuối vòng bảng, Italia gặp Cộng hòa Ireland và thua 0-1. Xem xong trận này, tôi rời TP Hồ Chí Minh tới Đà Nẵng họp lớp sinh viên Đại học kỹ thuật Thông tin liên lạc nhân kỷ niệm nửa thế kỷ nhập trường. Ở vòng 1/8, Italia đã loại Tây Ban Nha. Sau trận này, tôi về lại Hà Nội. Ở vòng tứ kết, Đức loại Italia bởi loạt sút luân lưu. Vậy là một Italia già cỗi đã xách vali chia tay giải đấu.

Nhưng thay máu cũng phải có thời gian, và kết quả là Italia vắng mặt tại World Cup 2018. Do đại dịch, Euro 2020 rời sang mùa hè 2021. Đến thời điểm này chúng ta đã thấy xuất hiện một Italia khác hẳn mà ấn tượng nhất là tiền đạo Chiesa. Thắng dễ dàng Thổ Nhĩ Kỳ ba bàn không gỡ, thắng Thụy Sĩ cũng với ba bàn không gỡ, lối đá mới của Italia rất cuốn hút khiến tôi phải viết bài thơ “Hào hoa Italia” in ngay trên báo Thể thao và Văn hóa. Ở trận thứ ba vòng bảng với Xứ Wales, Xứ Wales chỉ thua một bàn nhưng thua nữa là có thẻ đỏ, còn Gareth Bale thì đã bất lực vì già. Ở vòng bảng, Italia thắng cả ba trận mà không bị thủng lưới lần nào. Vào vòng 1/8, Italia gặp Áo (đội đứng thứ ba khác). Trận này tỷ số là 2-1. Áo tuy ra về nhưng là đội đầu tiên chọc thủng lưới Italia. Vào tứ kết, duyên nợ Italia gặp lại Bỉ. Ở Euro 2016, Italia thắng Bỉ bằng lối đá cũ, nay thắng Bỉ bằng lối đá mới. Tuy nhiên, "Thiên thanh" cũng có tặng Lukaku một quả phạt đền. Vào bán kết, duyên nợ tiếp tục đưa Italia gặp lại Tây Ban Nha. Có lẽ sau khi bị Italia loại ở vòng 1/8 tại Euro 2016, khát vọng trả nợ là rất lớn với Tây Ban Nha. Dù là thay máu, nhưng lối đá truyền thống phòng ngự phản công đậm chất Italia vẫn được sử dụng trong trận kỳ phùng địch thủ này, một trận cầu hay ngang trận Pháp - Bồ Đào Nha ở vòng bảng. Nhưng cuối cùng, ở thời điểm đá luân lưu, trời đã chọn Italia. Và thế là trận chung kết trong mơ giữa Anh và Italia đã diễn ra. Một trận cầu siêu kinh điển mà không phải kỳ Euro cũng có thể có được. Theo tôi, huấn luyện viên đội Anh cũng cực kỳ cao thủ. Nhưng việc thay các cầu thủ trẻ vào đá luân lưu như là việc “trời xui đất khiến” vậy.

Sự phục sinh của Italia trải qua 3 năm càng cho thấy nghệ thuật túc cầu luôn luôn bí ẩn và biến ảo. Bởi thế, nó mới có khả năng to lớn thu hút toàn nhân loại vào một giải đấu đỉnh cao như một phép màu mà không phải nghệ thuật nào cũng đủ sức mạnh chinh phục như thế. Tổng thống Italia hẳn tự hào nhiều về những nghệ sĩ túc cầu đại diện cho xứ sở của mình. Nhưng phía trước rất gần, chỉ sang năm thôi, World Cup lại quần tụ những bậc thư hùng trên các châu lục. Roberto Mancini sẽ còn rất nhiều việc phải làm, mà việc lớn nhất có lẽ là truyền lửa để vững vàng tâm lý cầu thủ. Đã chọn cách chơi này thì bất chấp dư luận. Chỉ có thế thì Azzurri mới có thể ngang ngửa với mọi đội quân túc cầu. Không hiểu sao, sau giây phút Italia đăng quang, tôi lại nhẩm hát giai điệu “Mùa hè Italia” mà 31 năm trước đã chiếm trọn tâm hồn tôi bằng giọng hát khàn khàn của nữ ca sĩ Gianna Nannini. “Mùa hè Italia” là giai điệu sẽ sống mãi trong tâm hồn người mến mộ âm nhạc và túc cầu. Sống mãi như truyền thống bóng đá Italia, bởi cách biết duy trì gọn lửa đam mê trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù tồi tệ nhất. Đứng lên từ chỗ ngã xuống là sự can đảm của tài năng.

Nhà thơ NGUYỄN THỤY KHA