Trong lịch sử, đội tuyển Anh có hai sự kiện khó quên trước Đức. Một là chung kết World Cup 1966, nơi “Tam sư” đã giành chiến thắng 4-2 và sự kiện này được họ bầu là “khoảnh khắc thể thao vĩ đại nhất trong lịch sử”. Hai là chiến thắng 5-1 ngay tại Munich ở vòng loại World Cup 2002 của tuyển Anh trước Đức đã và vẫn được báo chí xứ sương mù ngợi ca bởi sự lấn lướt. Nhưng người Đức đâu phải dạng vừa. Từ năm 1975 đến 2017, trong các trận đấu do FIFA tổ chức, tuyển Anh chưa từng thắng Đức trên sân Wembley. Năm 2013, tờ Bild (Đức) còn châm biếm "Wembley giờ là sân nhà của đội tuyển Đức". Thậm chí, huyền thoại bóng đá Anh G.Lineker từng chua chát: “Bóng đá là trò chơi của 22 cầu thủ với 1 quả bóng và đội thắng luôn là người Đức”.

 R.Sterling đang là người duy nhất ghi bàn cho đội tuyển Anh tại Euro 2020. Ảnh: AP 

Đêm nay cũng tại Wembley, đội tuyển Anh tiếp kình địch Đức ở vòng 1/8 Euro 2020. Tại kỳ Euro này, Anh và Đức đang thể hiện những điểm giống và khác nhau. Họ cùng sử dụng sơ đồ chiến thuật 3 trung vệ; cùng trải qua những trận đấu khó khăn và dưới kỳ vọng. Nếu như đội tuyển Anh chưa phát huy hết tài năng của những ngôi sao sáng giá trong đội hình thì đội tuyển Đức thể hiện lối chơi thiếu kết dính và dựa vào may mắn họ mới góp mặt tại vòng 16 đội.

Lịch sử đối đầu giữa hai đội khá cân bằng khi tuyển Anh sở hữu 13 chiến thắng, trong khi con số này với đội tuyển Đức là 15. Người Anh tự hào vì có giải Premier League hấp dẫn nhất hành tinh, còn với người Đức, họ có thành tích thi đấu quốc tế ấn tượng. Nếu như tuyển Anh mới sở hữu một danh hiệu lớn duy nhất (World Cup 1966) thì Đức đã có trong tay 3 chức vô địch World Cup và 3 danh hiệu Euro. Trước trận Anh-Đức, truyền thông và người hâm mộ hai bên lại có dịp công kích nhau. Người Anh tự hào có H.Kane, R.Sterling, F.Foden, M.Mount; bóng đá Đức cũng không thiếu nhân tài với K.Havertz, T.Kroos, J.Kimmich, S.Gnabry. Đội tuyển Anh nắm lợi thế khi được chơi bóng trên sân Wembley, cùng sự ủng hộ có phần hơi mơ hồ của siêu máy tính khi dự đoán “Tam sư” sẽ đánh bại Đức và thẳng tiến tới chung kết. Có lẽ sẽ là một thế trận cân bằng và dù đội nào đi tiếp thì chắc cũng “sứt đầu mẻ trán”.

Không có mối duyên nợ nhiều như cặp Anh-Đức, song cuộc đấu Thụy Điển-Ukraine cũng nói lên nhiều điều. Một đội bóng Bắc Âu, một đội bóng Đông Âu không được đánh giá cao tại Euro 2020 nhưng cũng đã thể hiện được giá trị, bản sắc riêng. Không có ngôi sao Z.Ibrahimovic, Thụy Điển chơi biến hóa khôn lường. Khi cần phòng thủ, họ trình diễn một lối chơi bê tông mác cao khó xuyên thủng (hòa Tây Ban Nha 0-0). Khi cần tấn công, Thụy Điển có những mũi giáp lợi hại và thắng lợi 1-0 trước Slovakia, 3-2 trước Ba Lan là minh chứng.

Nếu Thụy Điển hiên ngang vào vòng 16 đội với ngôi nhất bảng E thì Ukraine may mắn có tấm vé vớt đi tiếp nhờ ghi hơn 1 bàn thắng so với Phần Lan. Dù "lê lết" vào vòng 1/8 nhưng trước Thụy Điển, đội tuyển Ukraine cũng được đánh giá ngang cơ. Thậm chí, lịch sử đối đầu giữa hai đội nghiêng về Ukraine với 3 chiến thắng trong 4 cuộc đối đầu gần nhất. Trong một thế trận căng thẳng, đội nào giữ được sự tập trung thì sẽ giành chiến thắng và ưu thế này đang đứng về Thụy Điển bởi lối chơi đoàn kết và kỷ luật cao.

HỮU TRƯỞNG