Không hoặc ít ngôi sao nhưng tất cả tôn vinh đội bóng chùm sao. Không ngôi sao tỏa sáng gánh đội nhưng tất cả cầu thủ cùng rực nổi như những người hùng.

Những siêu sao, những cầu thủ đẳng cấp thế giới đều đã rủ nhau về sớm. Họ là những C.Ronaldo-Bồ Đào Nha; K.Mbappe, P.Pogba, N.Kante... của tuyển Pháp; những R.Lewandowski-Ba Lan; T.Kroos, T.Muller-Đức; L.Modric-Croatia... Tiếp đó, tại tứ kết là De Bruyne, R.Lukaku-Bỉ. Lý do có nhiều, hoặc đội bóng chưa có được sự gắn kết, chưa tạo dựng được lối chơi phù hợp hay lục đục nội bộ, bệnh ngôi sao phát tác...

Trong bối cảnh ấy càng nổi bật lên chòm sao tập thể của cả 4 đội vào bán kết. Dù chỉ còn lại hai đội là Italy và Anh trong trận đấu cuối cùng song có thể nói Tây Ban Nha và Đan Mạch không hề kém cạnh. Thực tế Tây Ban Nha chỉ chịu thua Italy trên chấm đá luân lưu cân não và may rủi, Đan Mạch không vượt qua Anh bởi những bàn thắng xù xì phản lưới nhà hay phạt đền đầy tranh cãi. Trước đó, những Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, rồi Thụy Sĩ, Đan Mạch đều đã cho thấy những cầu thủ ít hoặc không được biết đến của họ đã biết sát cánh bên nhau như thế nào để trở thành những đội quân kiên cường, quả cảm làm nên những trận đấu và trận thắng để đời. Với sức mạnh ấy, bất cứ kẻ mạnh nào có vượt được qua họ cũng như vừa hút chết.

leftcenterrightdel
Đội tuyển Đan Mạch biết sát cánh bên nhau để trở thành đội quân kiên cường, quả cảm. Ảnh minh họa: EPA. 

Tiêu biểu nhất cho những tập thể ấy chính là Đan Mạch. K.Dolberg là ai? Không trụ lại được Ajax Amsterdam cầu thủ này đã phải đến với đội bóng nhỏ Nice ở miền Nam nước Pháp. Anh không có chỗ trong đội hình chính cho đến khi Poulsen bị chấn thương nhưng đã vào sân là Dolberg lập tức trở thành tiền đạo lợi hại nhất, ghi được 3 bàn thắng góp công đưa Đan Mạch vào bán kết. J.Maehle là ai? Một hậu vệ trẻ đá cho Atalanta mà tôi rèn được phẩm chất phòng ngự Italy để trở thành một chốt chặn, một mũi công hữu hiệu. Và cái tên M.Damsgaard chỉ được ra trận khi ngôi sao số 1-nhạc trưởng C.Eriksen bị đột quỵ và lập tức trở thành một mũi nhọn thông minh, nhanh nhẹn vừa tạo nên những đường chuyền sắc sảo vừa ghi bàn. Chính anh đã là người đầu tiên phá lưới tuyển Anh tại Euro này bằng cú sút phạt thần sầu đưa bóng vượt hàng rào danh tiếng. Không đi đến được trận đấu cuối cùng song rõ ràng với những gì Đan Mạch đã làm được tại Euro 2020, điều kỳ diệu đã trở lại với “những chú lính chì dũng cảm”. Nhiều người cho rằng bóng đá là một cuộc chiến nhưng với họ, trước sau bóng đá vẫn là cuộc chơi, trong đó ai cũng thoải mái thể hiện được hết mình.


Đúng như lời HLV K.Hjulmand nói trước trận đấu với Cộng hòa Séc ở tứ kết: “Tôi không đặt ra các mục tiêu tốp 16 hay tứ kết mà tôi nói với các cầu thủ rằng hãy dám ước mơ và đừng ngại khẳng định điều đó trước mọi người”. Bình dị vậy thôi, không phải nền bóng đá của quốc gia nào cũng có thể vô địch các giải đấu lớn nhưng ước mơ bay cao bay xa và nỗ lực làm việc, dâng hiến thì ai cũng cần và có thể để rồi điều kỳ diệu sẽ đến.

Xét cho cùng nếu không dám ước mơ, nếu không dũng cảm để thay đổi và hoàn thiện thì ngay cả những nền bóng đá hùng mạnh nhất cũng không thể thành công. Hai đội vào trận đấu cuối cùng Euro 2020-Italy và Anh-chính là hai đại diện thành công nhất nói lên điều đó. 55 năm bao thế hệ tuyển thủ Anh chỉ để lại nỗi thất vọng và nghi ngờ vì sức mạnh thật của “Tam sư”. Cũng là cả hơn nửa thế kỷ lối chơi phòng ngự từng đưa Italy lên ngôi đầu châu lục và thế giới dù được ngợi ca là nghệ thuật song không đưa lại sự thuyết phục với số đông công chúng. Sự thực dụng đến tẻ nhạt, gây khó chịu và bực tức cho đối thủ và người xem đã được Mancini làm giàu có thêm bằng khả năng tấn công tốc độ và đa dạng. Thiên thanh được người ta yêu thêm, yêu đến si mê vì thế.

Chung kết là gì? Là sự dồn nén của lịch sử, là sự thăng hoa, say máu chinh phục, là sự cao cường của bản lĩnh chống chịu để vùng lên. Tất cả những điều này ở cả tuyển Italy và Anh đều có cả. Với họ, nhạc nào cũng nhảy và võ nào cũng chơi. Lúc này, quả là một thách đố để tìm ra chỗ yếu của mỗi đội. Tăm tia soi mói, bới lông tìm vết thì chỉ có thể vạch được chút điểm yếu tâm lý của thủ môn Anh Pickford khi anh có đôi lần chuyền bóng lên không chính xác. Còn phía Italy, kém hơn Anh về khả năng đánh đầu ư? Tất cả chỉ là những nhận định và phỏng đoán mơ hồ. Có lẽ chỉ khi đối kháng va đập trực tiếp diễn ra các HLV đôi bên mới có thể tìm ra “gót chân Achilles” của đối thủ.

Cả hai đều toàn tài, đa năng, đa dạng, chỉ khi tận dụng được một sơ sảy, sai lầm nào đó mới tạo nên khác biệt. Hai đội quân đều gắn kết, thiện chiến trong lối chơi đồng đội. Họ đều giàu tài năng và không thiếu sự bền bỉ, lỳ lợm. Chung kết sẽ ít, thậm chí khó có bàn thắng trong 90 phút. Nhưng dù có phải phân định bằng đá luân lưu thì đội nào thắng cũng rất xứng đáng. Xem chung kết là xem cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh, đấu thần kinh. Những người hùng sẽ hiện lên.

NGUYỄN ANH