Anh đại diện cho nhóm các đội tuyển xây dựng lối chơi và sơ đồ chiến thuật cốt chờ đợi các cá nhân tỏa sáng, trong đó có Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha... và một nhóm có triết lý chơi bóng rõ ràng là Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch.

Đội tuyển Anh vào chung kết với tình huống gây tranh cãi kiếm phạt đền của J.Sterling. Trong khi đó, Italy vào chung kết sau trận bán kết xuống màu với Tây Ban Nha. Sắc thiên thanh nhạt nhòa trông thấy khi đụng phải “bò tót” Tây Ban Nha thiện chiến dựa vào khả năng kiểm soát bóng siêu việt. Nhưng Italy lỳ lợm hơn và cũng may hơn khi họ sở hữu thủ thành G.Donnarumma.

leftcenterrightdel
Harry Kane đã tỏa sáng đúng lúc từ vòng loại trực tiếp Euro 2020. Ảnh: Reuters

Nói thế không có nghĩa Italy chơi rình rập, chực chờ phản công hay chơi theo kiểu ru ngủ đối phương. Trừ trận đấu hú hồn trước Tây Ban Nha, thầy trò huấn luyện viên (HLV) R.Mancini chinh phục người xem bằng khả năng áp đặt lối chơi, làm chủ thế cuộc, tấn công dồn dập dù tập thể thiên thanh chỉ có một vài cầu thủ đẳng cấp.

Khoan nói về đội tuyển Anh. Bỉ, Bồ Đào Nha, Pháp bị loại bởi những ngôi sao được trông chờ tỏa sáng đã dần vụt tắt trên bầu trời Euro 2020. Nhưng ngạc nhiên là đội tuyển Đức, sau chức vô địch World Cup 2014 đã đánh mất mình quá nhanh ở World Cup 2018 và VCK Euro 2020. Họ không thuộc vào hình thái nào, chẳng chờ đợi cá nhân tỏa sáng cũng chẳng có triết lý chơi bóng rõ ràng. Đức thua Pháp 0-1 rồi tưng bừng thắng Bồ Đào Nha 4-2, sau đó “cỗ xe tăng” hút chết trước Hungary (hòa 1-1), rồi bạc nhược thua Anh 0-2 ở vòng 1/8.

Pháp kỳ vọng vào hàng thủ chắc chắn, đồng thời trông đợi vào hàng công sắc bén để lên ngôi ở giải đấu năm nay nhưng họ bị loại bởi chỉ được vế đầu. Hãy nhớ lại ở World Cup 2018, Pháp lên ngôi vô địch nhờ sự vững chãi nơi hàng thủ và sự tỏa sáng của K.Mbappe. VCK Euro 2020, K.Mbappe thi đấu dưới sức, hàng công của “gà trống” lãnh hậu quả tức thì.

Tiếc hơn cả có lẽ là Tây Ban Nha, họ đã có trận đấu trên cơ trước Italy nhưng Wembley đã mỉm cười với đội bóng xứ mì ống. Bi kịch ở chỗ, thua tức tưởi trước Italy trên chấm luân lưu 11m lại chính là trận thầy trò HLV L.Enrique chơi tốt nhất ở VCK kỳ này. Ngay cả khi bị dẫn bàn, Tây Ban Nha vẫn kiên trì với các miếng đánh của mình và họ có bàn gỡ hòa sau pha phối hợp tấn công trung lộ mẫu mực, khiến hàng thủ trứ danh Italy đứng hình. Từ giây phút đó, thầy trò nhà R.Mancini sống trong sợ hãi và chỉ tự giải phóng mình khỏi nỗi ám ảnh thua cuộc sau màn “đấu súng” trên chấm 11m.

Đội tuyển Anh VCK kỳ này chơi không hay nhưng nhiều người tin “Tam sư” sẽ lên ngôi vô địch. Lạ không? Bởi nếu so sánh thì giới mộ điệu hẳn sẽ có cảm tình và bị thuyết phục bởi lối chơi đẹp mắt, tận hiến của đội tuyển Italy.

Tuy nhiên, hạn chế của Italy lẫn Anh là cầu thủ đôi bên đã chạy quá nhiều, tốn sức vì cách chơi, tính toán chiến thuật của ban huấn luyện, nên họ không còn giữ được sự tỉnh táo và sức mạnh ở vòng bán kết. Ở đây, lại là câu chuyện về yếu tố con người. Anh lẫn Italy không có mẫu cầu thủ có thể định đoạt trận đấu hay kiểu một mình “gánh team”. Italy hổn hển vào chung kết. Anh cần tới quả phạt đền gây tranh cãi ở hiệp phụ để loại Đan Mạch. Nhưng đó mới là bóng đá, là cuộc chơi vô cùng kỳ lạ, không theo bất kỳ nguyên lý nào. Đội hay hơn chưa chắc đã đi tiếp-hẳn là các cầu thủ Tây Ban Nha đang đau đớn ngẫm nghĩ về điều này. Anh-Italy, chưa hẳn là trận chung kết trong mơ nhưng lại là cái kết hợp tình hợp lý, mang nhiều sắc màu cho kỳ Euro đầy khát vọng giữa đại dịch.

KHOA MINH