Liệu đây có phải đều là những bàn thắng dễ dàng? Hãy cùng chúng tôi phân tích.

Dễ dàng hạ gục Neuer, nhưng không phải cầu thủ nào ở tuổi 36 cũng làm được

Bốn lần gặp tuyển Đức trước đây, Ronaldo chưa từng được ăn mừng bàn thắng. Nhưng chắc hẳn trước lần chạm trán thứ năm, anh không nghĩ bàn “mở hàng” vào lưới đối phương lại xuất phát từ một pha chạm bóng dễ dàng như vậy, trước một khung thành rộng thênh thang khi Neuer đã băng lên và các hậu vệ Đức đã hụt hơi. Tuy nhiên, những gì Ronaldo thể hiện trước khi đưa bóng vào lưới trống mới thực sự khó và đáng kinh ngạc, nhất là với một cầu thủ đã ở tuổi 36 như anh.

Cận cảnh màn chạy nước rút của Ronaldo trước khi làm tung lưới Neuer. Nguồn: UEFA. 

Trong một tình huống phản công nhanh sau quả phạt góc của tuyển Đức, chính Ronaldo đánh đầu phá bóng lên ở vạch 5m50 khung thành đội nhà, trước khi chạy một mạch dọc sân để kết thúc đợt tấn công sắc bén bằng bàn thắng như dội gáo nước lạnh vào “cỗ xe tăng” ngay khi ĐT Đức đang hừng hực khí thế. CR7 chạm bóng làm tung lưới Neuer khi đã chạy qua vạch 5m50 của tuyển Đức sau đường chuyền “dọn cỗ” từ Jota, mở tỷ số trận đấu. Số liệu cho thấy, “vận động viên điền kinh” người Bồ đã hoàn thành quãng đường 92m chỉ sau 14,27 giây. Cũng phải nói thêm rằng trên đường chạy anh còn phải điều chỉnh tư thế, chủ động tránh những bóng áo trắng cản đường, và giảm tốc để chờ thời cơ khi bắt đầu vượt qua 2/3 chiều dài sân. Nếu cứ chạy một mạch thẳng băng không ai cản, thì thành tích nước rút của “cỗ máy” mang tên Ronaldo sẽ còn đáng nể không kém là bao so với thời đỉnh cao của huyền thoại điền kinh Ulsain Bolt. Tóm lại, độ khó của bàn thắng đáng nhớ này được thể hiện hết ở phần phối hợp trước đó chứ không phải nằm ở pha chạm bóng cuối cùng. Không phải ngẫu nhiên mà trang chủ UEFA đưa bàn thắng này vào danh sách 4 bàn thắng đẹp nhất của lượt trận thứ hai.

Ấn định chiến thắng 3-0 trước Hungary sau màn tiki taka với Rafa Silva

Nếu như bàn thắng trên toát lên sức mạnh của Ronaldo thì tình huống ghi bàn phối hợp còn lại trong số 5 pha lập công của anh lại cho thấy sự mềm mại và chuẩn xác kiểu tiki taka. Trong trận gặp Hungary, khi hàng thủ đội chủ nhà đã bị khuất phục với 2 bàn thua sau hơn 80 phút chống đỡ kiên cường, Ronaldo ấn định chiến thắng ba sao ở phút bù giờ thứ 2 sau khi phối hợp rất ăn ý với Rafa Silva, và lừa qua cả thủ thành Gulasci trước khi đưa bóng vào khung thành trống. Cái khó ở bàn thắng này là sự uyển chuyển trong động tác và sự phối hợp chính xác tuyệt đối giữa Ronaldo và người đồng đội vào sân thay người trước đó không lâu.

Ba lần thực hiện 11m “cân não”

Ronaldo đạt tỷ lệ thành công 100% từ chấm 11m tại Euro 2020. Ảnh: Getty. 

Ba bàn thắng còn lại của Ronaldo đều được thực hiện trên chấm 11m với tỷ lệ thành công tuyệt đối và không một lần nào thủ thành đối phương đoán trúng hướng bóng. Những tưởng đá penalty là dễ, nhưng nếu nhìn vào bối cảnh và áp lực của từng lần ngôi sao người Bồ bước lên sút thì người hâm mộ sẽ thấy nó không đơn giản chút nào cả về kỹ thuật sút lẫn tâm lý, nhất là khi người thực hiện lại là một siêu sao bóng đá với kỳ vọng của tất cả người hâm mộ đặt nặng lên vai. Rõ nét hơn cả là hai bàn thắng của anh trong trận hòa Pháp, một bàn mở tỷ số và bàn kia ấn định kết quả hòa 2-2, đều diễn ra ở những thời điển đầy áp lực. Nó đòi hỏi người bước lên thực hiện trọng trách phải có bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc như Ronaldo.

Quả thực, 5 bàn thắng của Ronaldo ở vòng bảng vừa rồi tưởng chừng như dễ mà lại không dễ chút nào. Còn với ai đang mong chờ được chứng kiến những pha lập công với độ khó thường thấy hay thậm chí thuộc dạng “kinh điển” của Ronaldo thì hãy cứ tự nhủ rằng, biết đâu anh để dành những pha dứt điểm như vậy cho các vòng tiếp theo? Nói tóm lại, ở tuổi 36 mà vẫn làm được những điều như CR7 đang cho chúng ta thấy thì quả thực là rất hiếm “người phàm” có khả năng làm được.

QUÝ CHUNG