Đừng bắt đội tuyển Anh phải chơi tấn công đẹp mắt bởi trong đội hình hiện tại của họ không có mẫu tiền vệ sở hữu khả năng kiểm soát và điều tiết bóng nhịp nhàng. Những tiền vệ được HLV G.Southgate sử dụng đã qua là K.Phillips, D.Rice hay J.Henderson đều là mẫu cầu thủ chơi càn quét, thu hồi bóng tốt và phát động tấn công đơn giản. Họ có thể “dọn dẹp” khu vực trung tuyến bằng lối chơi cơ bắp, khi có bóng thực hiện đường chuyền đơn giản lên phía trước cho hàng công; còn đòi hỏi họ thoát pressing, xoay chuyển, đổi hướng nhịp nhàng, chuyền bóng tinh tế và chính xác nhiều cự ly thì thực sự khó.
 |
Tiền đạo H.Kane (giữa) đã giải tỏa được áp lực sau trận Anh thắng Đức 2-0. Ảnh: EPA |
HLV G.Southgate đã cầu thị khi nghe theo lời khuyên của người đồng nghiệp J.Mourinho để lần đầu tiên sử dụng sơ đồ 3 trung vệ trong trận gặp Đức tại vòng 1/8. Hiệu quả thì ai cũng thấy rõ khi “Tam sư” thủ chắc, tấn công đơn giản nhưng hiệu quả. Hai bàn thắng của R.Sterling và H.Kane là minh chứng cho phong cách chơi bóng rình rập và chọn thời cơ để “kết liễu” đối thủ. Đang chơi hay chẳng dại gì mà đội tuyển Anh phải thay đổi và nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật này ở trận gặp Ukraine tại tứ kết. Đối đầu với Ukraine chưa bao giờ là dễ dàng với Anh. Trong hai lần chạm trán gần nhất, Ukraine đã hòa Anh với tỷ số 0-0 và 1-1. Lần gần nhất đội tuyển Anh đánh bại Ukraine diễn ra vào tháng 6-2012, khi ấy W.Rooney vẫn còn trong đội hình và những H.Kane, H.Maguire, J.Pickford... chưa được triệu tập vào đội tuyển quốc gia.
Cũng giống như đội tuyển Anh, Ukraine cũng đang chơi tốt với sơ đồ chiến thuật 3-5-2. Ở trận thắng Thụy Điển, Ukraine dựa vào sức mạnh của đôi cánh với sự cơ động của O.Zinchenko và O.Karavaev. Hai cầu thủ này đã lên công về thủ đâu ra đấy, giúp Ukraine tạo được thế trận nhịp nhàng. Ngoài ra, Ukraine còn có một cặp đôi lợi hại khác là A.Yarmolenko và R.Yaremchuk. Hai tiền đạo này đã có 4 pha lập công cho Ukraine chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ với hàng thủ đội tuyển Anh. Quan trọng hơn, Ukraine sau khi “chết hụt” ở vòng bảng đang được kỳ vọng sẽ “sống dai” tại Euro 2020. Một thế trận “căng như dây dàn” sẽ được Ukraine và đội tuyển Anh tạo ra, song với sự thực dụng cùng bản lĩnh vượt khó trong chuỗi trận đã qua, tin rằng “Tam sư” sẽ biết tận dụng thời cơ và đi tiếp.
Tương tự, đội tuyển Đan Mạch được đánh giá cao hơn Cộng hòa (CH) Séc, song trong 6 cuộc đối đầu gần nhất, “những chú lính chì” mới chỉ giành được 1 chiến thắng, 5 trận hòa. Trên bảng xếp hạng có tính chất tham khảo của FIFA, Đan Mạch đang xếp thứ 10 thế giới còn CH Séc đứng thứ 40. Ít người dám tin đội tuyển Đan Mạch sau khi mất “nhạc trưởng” C.Eriksen lại thi đấu như “lên đồng” để thổi bay xứ Wales với tỷ số 4-0. Và không nhiều người dám nghĩ CH Séc bị đánh giá thấp lại chặn được “cơn lốc màu da cam” Hà Lan để góp mặt tại tứ kết. Hai đội này ai mới là “ngựa ô” thực sự? Thật khó đoán! Nhưng hành trình của Đan Mạch và CH Séc tại Euro 2020 là thành quả của nỗ lực vượt khó, ý chí thi đấu kiên cường không bỏ cuộc.
Trước khi Euro 2020 khởi tranh, cả CH Séc, Đan Mạch và Ukraine đều không được đánh giá cao. Thậm chí, đội tuyển Anh còn không được xếp "chung mâm" với Pháp, Đức, Italy, Bỉ hay Bồ Đào Nha. Nhưng hành trình của cả 4 đội bóng này đều rất đáng nể, họ xứng đáng là những anh tài của kỳ Euro này. Đã vào tới tứ kết thì đội nào cũng mạnh, cũng xứng đáng được tôn vinh.
HỮU TRƯỞNG