Đan Mạch vô địch Euro 1992 thực ra không hẳn là câu chuyện cổ tích của bóng đá hiện đại. Thời điểm đó, vòng chung kết Euro chỉ có 8 đội tranh tài so với 24 đội như hiện nay. Chủ nhà Thụy Điển đương nhiên có một suất, còn lại 7 “đại gia” phải đứng đầu 7 bảng đấu ở vòng loại mới có vé tranh cúp vô địch. Ở vòng loại, Đan Mạch nằm cùng bảng với Nam Tư. Đội bóng Bắc Âu chung cuộc đứng thứ 2 với 13 điểm, kém 1 điểm so với đội bóng Nam Âu. Tuy nhiên, Nam Tư sau đó bị cấm thi đấu và Đan Mạch thay thế suất vào vòng chung kết. Phần còn lại của câu chuyện Đan Mạch vô địch Euro, người xem năm xưa hẳn còn lưu lại nhiều ấn tượng.

leftcenterrightdel
 Đội tuyển Anh được kỳ vọng sẽ làm nên lịch sử tại Euro 2020. Ảnh: skysports.com. 

Kể dông dài câu chuyện cũ bởi không ít khán giả có lẽ cũng có cảm nhận Đan Mạch hiện nay với Đan Mạch năm 1992 có nhiều điểm chung. Đan Mạch không phải là đội bóng yếu. Dù không có siêu sao nhưng Đan Mạch có nhiều cầu thủ chất lượng, mặt bằng đội hình không có nhiều cách biệt. Sức mạnh của Đan Mạch dựng xây từ một tập thể gắn kết, họ luôn biết cách kết liễu đối thủ một cách đơn giản mà đáng sợ. Một đội bóng tầm mức khá như Đan Mạch lọt vào bán kết không phải là bất ngờ; nhất là ở hai trận đấu loại trực tiếp vừa qua, xứ Wales và Séc chưa phải là đối thủ trên tầm.

Điều đáng gọi là bất ngờ chỉ xảy ra khi Đan Mạch hạ đo ván Anh trên “thánh địa” Wembley. Với phong độ của “Tam sư” hiện nay, Anh vẫn được đánh giá là cửa trên, rất khó để Đan Mạch có thể tạo bất ngờ ở hai hiệp chính. Khả năng cao Đan Mạch sẽ kéo trận đấu đến chấm đá phạt đền, khi đó chỉ trông chờ may rủi mà thôi. Đó cũng là kịch bản bán kết Euro năm 1992, Đan Mạch đã loại đương kim vô địch Hà Lan sở hữu “tam tấu” huyền thoại: M.van Basten, R.Gullit và F.Rijkaard.

Kịch bản giả định trên thành sự thật không phải là điều vui vẻ với người Anh. Đã bao lần đội tuyển Anh gặp ác mộng “chết trên chấm phạt đền” ở các giải đấu lớn. Huấn luyện viên G.Southgate là người thấu cảm bi kịch này, bởi chính ông là người duy nhất đá hỏng phạt đền khiến đội tuyển Anh dừng bước tại bán kết trước người Đức trên sân vận động Wembley tại Euro 1996. “Món nợ” với người Đức, G.Southgate đã trả xong và giờ là một “món nợ” khác, đó là phải có mặt tại trận chung kết Euro.

Đội tuyển Anh ở Euro 2020 rất đáng xem. Vẫn là một dải ngân hà nhưng dường như rất đoàn kết và quyết tâm không phải là những “ngôi sao cô đơn”. Lối chơi vô cùng thực dụng và cẩn trọng trong thi đấu. Không khó nhận ra dấu ấn chiến thuật của G.Southgate-một huấn luyện viên xuất thân là hậu vệ. G.Southgate có thể thận trọng, nhưng ông không muốn phó mặc kết quả cho may rủi trên chấm phạt đền. Đó là cách G.Southgate muốn vượt qua trận bán kết để ghi danh lịch sử, tạo nên huyền thoại mới cho “Tam sư”.

HOÀNG HOÀNG