Cụ thể, tại Euro 2020, Nike dẫn đầu với 9 đội tuyển quốc gia mặc trang phục có logo Swoosh của hãng, nổi bật là đội tuyển Pháp - nhà đương kim vô địch World Cup, đội tuyển Bồ Đào Nha - nhà đương kim vô địch Euro và đội tuyển Anh - đội bóng nhiều danh tiếng và thu hút rất nhiều cổ động viên từ thời danh thủ David Beckham.

Trong khi đó, Adidas bám đuổi ngay sau với việc logo của thương hiệu Đức có mặt trên quần áo thi đấu của 8 đội tuyển, bao gồm “cỗ xe tăng” Đức, Tây Ban Nha và Bỉ - đều là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch Euro 2020.

Xếp thứ 3 là Puma với hợp đồng tài trợ cho 4 đội tuyển, trong đó có đội tuyển Italy. Ngoài ra, còn có các hãng đồ thể thao ít có tiếng tăm hơn như Hummel, Jako và Joma cũng xuất hiện trên quần áo đấu của một số đội tuyển. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Algulf. 

Số lượng đội tuyển không phải là yếu tố duy nhất mà Nike và Adidas đang dẫn đầu, mà còn thể hiện rõ ràng thông qua giá trị của những thỏa thuận mà hai “gã khổng lồ” này ký kết so với những thương hiệu đồ thể thao khác.

Theo đó, Nike và Adidas tài trợ 70% số đội bóng tham gia Euro 2020 và chiếm 85% tổng giá trị hợp đồng của tất cả các đội bóng. Tuy nhiên, giá trị của những hợp đồng này lại chênh lệch rất lớn, tỷ lệ thuận với sự nổi tiếng cũng như thành tích trong lịch sử của các đội tuyển.

Đơn cử, ba hợp đồng với các đội tuyển Đan Mạch, Bắc Macedonia và Ukraine có giá trị khoảng 3,5 triệu bảng Anh mỗi năm, chỉ bằng 1/10 so với số tiền mà đội tuyển Anh nhận được từ Nike. Ngoài ra, Top 5 đội bóng có tiền tài trợ từ các thương hiệu đồ thể thao cao nhất là Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha chiếm 75% tổng giá trị hợp đồng. Nếu tính Top 10 thì con số đó lên tới 91%.

Cũng giống như bất kỳ giải đấu thể thao nào, các thương hiệu đồ thể thao tài trợ cho các đội tuyển, vận động viên để quảng bá hình ảnh và mục tiêu cuối cùng là tăng doanh số bán hàng cho người hâm mộ nhờ “hiệu ứng” từ chính những đội tuyển, vận động viên đó.

Từ trước đến nay, Nike và Adidas là hai đối thủ cạnh tranh nhau quyết liệt nhất, có thể nói là trên từng phần trăm thị phần về doanh số hay thậm chí phần trăm về chỉ số sức mạnh thương hiệu. Trong lĩnh vực bóng đá, Nike sở hữu Christian Ronaldo thì Adidas có Lionel Messi; hay chính là sự cạnh tranh trong việc tài trợ các đội bóng tại Euro 2020 như đã kể trên. Chừng đó đã đủ để thấy cuộc chiến của “kẻ tám lạng, người nửa cân” luôn khốc liệt.

Danh sách hợp đồng tài trợ của các thương hiệu thời trang thể thao cho các đội tuyển bóng đá tại Euro 2020. Ảnh: The Athletic.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt kinh tế-xã hội toàn cầu, trong đó có Nike và Adidas. Cụ thể, Adidas chịu nhiều tác động hơn do có thị trường lớn ở châu Á và châu Âu, trong khi Nike chủ yếu thống lĩnh thị trường châu Mỹ. Phải tới cuối năm thì kết quả kinh doanh của hai hãng này mới khởi sắc trở lại. Báo cáo tài chính cho thấy Nike có mức doanh thu toàn cầu là 34,7 tỷ USD, trong khi của Adidas là 22,7 tỷ USD, vào năm ngoái.

Thực tế, lấy thí dụ từ Euro 2020, các đội bóng càng đi sâu được vào vòng trong thì giá trị của những logo thương thiệu in trên quần áo đấu của họ cũng tăng theo. Hai thương hiệu Nike và Adidas đã chiếm hầu hết các đội tuyển “hạt giống” của giải. Tuy nhiên, trái bóng tròn luôn mang đến nhiều điều thú vị. Nếu có bất ngờ xảy ra thì cũng có thể sẽ là cơ hội “vàng” và là bước khởi đầu “trong mơ” cho những thương hiệu thể thao nhỏ hơn vươn lên.

Chúng ta hãy cùng dõi theo các trận đấu tại Euro 2020!

TÙNG QUÂN