Vượt lên một đối thủ ngang tài ngang sức, một đội Anh mới đang lên, toàn tài, lại có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cuộc đăng quang của Italy càng hào sảng, lộng lẫy.

Kết cục một kỳ Euro hấp dẫn, nhiều kịch tính, bất ngờ cả tuyển Italy và Anh đều đã thể hiện trong trận chung kết những gì là mạnh mẽ nhất, khôn ngoan và nổi trội nhất để đưa những đặc tính đó lên đỉnh cao. Bất ngờ nhất hay là điều bí ẩn nhất đã hiện ra khi cả hai bàn thắng trong thời gian thi đấu chính thức đều do hai hậu vệ đôi bên ghi bàn. L.Shaw lập kỷ lục bàn thắng sớm ngay phút thứ hai và L.Bonucci gỡ hòa ở phút 67. Bàn thắng cực kỳ đẹp bằng cú volley chân trái của L.Shaw đưa bóng đập cột bay vào lưới sau đường chuyền như vẽ từ K.Trippier. Lại cũng chính cột dọc ma ám này đã đẩy bóng dội ra sau cú đánh đầu của M.Verratti làm bóng đến đúng tầm chân cho L.Bonucci dứt điểm. Hai bàn thắng đều hiểm, đều vô phương chống đỡ.

 Đội tuyển Italy nâng cao chức vô địch Euro 2020. Ảnh: EPA

Thế trận chặt chẽ của đôi bên, tài năng công thủ toàn diện, mọi mũi tấn công, mọi chân sút chủ lực đều bị kiềm tỏa, bàn thắng chỉ có thể đến theo cách khó lường như thế. Có ý kiến cho rằng HLV G.Southgate đã lo phòng thủ sớm sau khi có bàn thắng dẫn trước. Nhưng hãy nhớ rằng, chính bằng cách đó tuyển Anh đã chiến thắng Đức. Vả lại, khi tuyển Italy mở trận tấn công tổng lực với ưu thế cầm bóng khu trung tuyến thì chỉ có đấu pháp phòng ngự phản công mới có thể cầm cự và tạo cơ hội ghi tiếp bàn thắng. HLV G.Southgate tin vào hàng thủ chắc chắn mới để thủng lưới duy nhất 1 bàn trong giải trước chung kết Euro 2020. Ông cũng tin hàng công với những mũi đột phá R.Sterling, H.Kane, M.Mount... có thể làm nên chuyện.

Nhưng đây là trận chung kết, lại là đại địch Italy có sức công mạnh mẽ và hiệu quả bậc nhất Euro này. Suy cho cùng, hòa trong 90 phút không phải kết quả tồi; chỉ là sau đó, Italy đã thể hiện được những phẩm chất đặc biệt của họ. Đó là kinh nghiệm, tâm lý và bản lĩnh của một đội bóng từng 4 lần vô địch thế giới, 1 lần vô địch châu Âu. Đó là nghệ thuật phòng thủ nổi tiếng Catenaccio hiện thân trong cặp trung vệ G.Chiellini và L.Bonucci tưởng như tuổi cao chân chậm nhưng cực kỳ thính nhạy, gắn kết. Đó là những kỹ năng cao thủ đến mức tinh quái trong ngăn cản đối phương, đặc biệt là bằng những pha phạm lỗi “đắc địa và đắc dụng”. Điển hình là pha “ông chú” L.Bonucci kéo cổ áo vật ngã tiền vệ đáng tuổi cháu mình B.Saka 18 tuổi đang đà lao như tên bắn về phía vòng cấm Italy. Và cuối cùng, sự hơn thua về tâm lý, về bản lĩnh và tài năng của thủ môn đã thể hiện trong loạt sút luân lưu. Có thể trách HLV G.Southgate khi ông chọn 3 cầu thủ trẻ M.Rashford, J.Sancho và B.Saka đá 3 quả cuối cùng song nên nhớ, đối diện với họ là thủ môn Donnarumma lừng lững 1m96 lại cực tinh nhạy trong phản xạ.

Nếu từ dũng cảm được nói đến suốt từ đầu đến phút kết thúc Euro 2020 đối với nhiều đội bóng, nhiều HLV thì phải nói cả R.Mancini và G.Southgate là những người tiêu biểu nhất bởi họ đều đã dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua mọi hoài nghi, chê trách, dám bỏ qua mọi sự chỉ giáo của cả các “chuyên gia khôn ngoan”, cả giới truyền thông lắm lời và cả hàng triệu người hâm mộ vào vai HLV. Họ đã gây dựng nên những đội tuyển đoàn kết, ăn ý nhuần nhuyễn như một đội bóng chứ không phải là tập hợp của những cầu thủ. Và họ đều đã đưa đội bóng của mình đến những nấc thang tiến bộ trên cả mong muốn.

Nếu người ta đã nói đến sự cách tân, từ G.Southgate thì đối với R.Mancini hành trình với tuyển Italy của ông quả là một cuộc cách mạng bóng đá tấn công. Trong lịch sử tuyển Italy khiến người ta khâm phục và khiếp sợ bởi lối chơi phòng thủ lạnh lùng, lỳ lợm. Lối chơi ấy đã đưa họ 4 lần đến ngôi cao nhất thế giới, vậy mà R.Mancini dám thay đổi. Với một tiền đạo, một chân sút có danh tiếng, ông không muốn Italy thời đại mới mang mãi chiếc áo giáp phòng thủ nặng nề, khó chịu của “cổ nhân”. Ông yêu bóng đá đẹp, ông thán phục lối chơi kiểm soát bóng tiqui-taca của “kẻ thù” Tây Ban Nha từng bá chủ châu Âu, thế giới và hạ gục Italy trong quá khứ. Học tập, tiếp thu tinh hoa thế giới nhưng không từ bỏ bản sắc quê hương xứ sở, R.Mancini đã làm nên một đội tuyển cân bằng, đẹp nhất, đáng si mê nhất trong Euro 2020. Trong sắc áo bào màu Thiên thanh, nhà vua mới của Euro hiện ra lộng lẫy, oai hùng. Liệu World Cup 2022 có thế lực nổi lên từ châu Âu, Nam Mỹ hay chân trời mới nào đó dám đương đầu và hạ bệ vua châu Âu? Argentina vừa lên ngôi Copa America trước Italy tại Euro một ngày? Messi còn đấy, Neymar của Brazil cũng vậy. Còn nữa là những cuộc phục hận của những Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức... và đương nhiên, vẫn đó người Anh.

Một Euro đặc biệt trong đại dịch Covid-19, đặc biệt đến vô tiền khoáng hậu với cách tổ chức cồng kềnh, mệt mỏi và thiếu công bằng trên 11 thành phố đã khép và có thể sẽ không lặp lại. Với nhiều điều mới mẻ, Euro đáng nhớ này sẽ mở ra những khoảng trời mới thoáng đãng hơn, đa sắc hơn để bóng đá luôn đem đến niềm vui và tình yêu bất tận. Và hãy nhớ, trong muôn sắc màu, cứ luôn có Thiên thanh.

NGUYỄN MẠNH