Ra với Lý Sơn, đến tham quan Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, du khách sẽ được xem nhiều thư tịch, sắc phong liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa và biển, đảo Việt Nam. Những tư liệu ấy không chỉ đơn thuần là tri ân những người con Đất Việt đã từng chiến đấu và hy sinh bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc ta suốt mấy trăm năm, mà còn là những bằng chứng hùng hồn để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Những tư liệu quý giá ấy như một lời thề nhắn gửi với thế hệ mai sau về bài ca dựng nước và giữ nước của cha ông...

Theo sử sách, vào khoảng đầu thập niên 1600, 15 vị tiên hiền ở vùng cửa biển Sa Kỳ, phủ Bình Sơn cũ (nay thuộc Quảng Ngãi) đã giong thuyền ra Cù lao Ré để khai khẩn, lập làng. Theo thời gian, các tộc họ đông đúc dần. Nửa đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn tổ chức các hải đội Hoàng Sa từ xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) ra quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm. Những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ từng bước xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này.

 Lý Sơn-đảo ngọc giữa trùng khơi.

Đến đây, du khách được tham quan chùa Âm Linh Tự-nơi thờ tự vong hồn đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Đây cũng là nơi tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào các ngày 18, 19, 20-3 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ công ơn những người đã mất. Đứng trước những ngôi “mộ gió” của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa, du khách sẽ cảm thấy xúc động bởi hồn thiêng sông núi và công ơn của những người giữ biển năm xưa. Có thể nói, nhờ sự kiến tạo của tự nhiên và qua bàn tay con người, Lý Sơn là nơi hội tụ nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Mũi Mù Cu, miệng núi lửa giếng Tiền, cổng Tò Vò, núi lửa Ngũ Linh. Từ trên đỉnh Thới Lới-ngọn núi cao nhất Lý Sơn, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp hùng vĩ, bao la tựa bức tranh thủy mặc.

Nơi đảo tiền tiêu, giữa trập trùng sóng nước hòa cùng màu xanh ngọc của mây trời, màu xanh ngát của hành, tỏi, du khách như bị “thôi miên” bởi màu nâu trầm của những công trình vượt thời gian. Đó là ngôi chùa Đục nằm sâu trong hang núi, nơi đặt bức tượng Phật Bà lớn, hướng mắt ra biển cả-tương truyền, chùa là nơi Quán Thế Âm ngự tại để trấn giữ bình yên cho người dân tránh khỏi thiên tai. Rồi cả ngôi chùa Hang gắn liền với truyền thuyết “Đường lên trời-đường xuống âm phủ”.

Nếu ai đã một lần ra với đảo ngọc Lý Sơn vãn cảnh chùa, nghe tiếng chuông ngân, ngắm những ngọn núi lửa đang ngủ yên giữa trùng dương, đi trong nồng nàn hương hành, hương tỏi... sẽ rất khó quên địa điểm du lịch hấp dẫn, lý thú này.

Bài và ảnh: KHÁNH NGUYÊN