Ra mắt sản phẩm mới và làm mới sản phẩm đã có là những bài toán không dễ với hầu hết các địa phương nhưng Sa Pa đang có những nét riêng để khách lưu luyến.

Leo Fansipan - trải nghiệm không thể bỏ qua

Với nhiều người, đỉnh Fansipan là điểm đến linh thiêng, nơi mang hồn cốt núi sông. Lên được đến đỉnh núi cao 3.143m này để cảm nhận niềm tự hào về bờ cõi, non sông là trải nghiệm ai cũng muốn có ít nhất một lần trong đời.

 Vũ điệu của những sắc màu Tây Bắc.

Khi chưa có tuyến cáp treo, ước mơ với tới “nóc nhà Đông Dương” dường như xa vời bởi cung đường gian nan và đầy khó khăn. Lên được đến đỉnh Fansipan, người có sức khỏe thường phải mất hai ngày đêm. Khi tuyến cáp treo hoàn thành năm 2016, mơ ước chạm tay vào khối trụ hình tam giác trên “đỉnh trời” của nhiều người đã trở thành hiện thực. Không khó hiểu khi tại sao nhiều gia đình cho cả những cô bé, cậu bé lên “check-in” và có cả những người lần nào đến Sa Pa cũng phải lên bằng được đỉnh Fansipan. Gặp anh Lê Thanh Tú (du khách từ Hà Nội) trên đỉnh núi Fansipan, anh nói rằng cũng không nhớ được số lần mình đã chạm đỉnh Fansipan bởi say mê cảnh sắc nơi này. “Fansipan mỗi mùa, mỗi giờ lại có những sắc thái khác nhau. Dù là mù sương, nắng chói hay những lúc tuyết phủ đầy, mây bảng lảng... đều mang vẻ đẹp huyền diệu”, anh Tú chia sẻ.

Đường lên đỉnh Fansipan giờ đây không chỉ hấp dẫn bởi rừng cây xanh biếc, sắc hoa muôn màu và mây trắng ngập trời mà còn say lòng người bởi vô số hoạt động thu hút du khách. Show diễn nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” là một ví dụ. Vũ điệu đó là sự hòa quyện của văn hóa các dân tộc vùng núi cao Tây Bắc, của những giáo lý Phật pháp, của nghệ thuật truyền thống và hiện đại, âm nhạc và những sắc màu, điệu múa tạo nên cảm xúc đong đầy cho du khách.

Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: “Kể từ khi có cáp treo Fansipan, khách tới Sa Pa tăng bình quân khoảng 20-30%/năm. Nếu như năm 2016, Sa Pa đón khoảng 800 đến 1 triệu lượt khách thì năm 2019 thời điểm cao nhất chúng tôi đón 3,2 triệu lượt khách. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Sa Pa cũng đón 1,2 triệu lượt khách và quý I-2021 chúng tôi đã đạt khoảng 510.000 lượt khách. Trong đó, cứ khoảng 10 người thì có 7 người đi Fansipan”.

 Du khách cùng say với “Vũ điệu trên mây”.


Tắm lá thuốc người Dao Đỏ

 Nói về những đặc trưng văn hóa khai thác “không biết bao giờ mới hết” của người Dao Đỏ ở Sa Pa, chị Nguyễn Phương Chi, chuyên viên phụ trách quản lý nhà nước về du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin Sa Pa nêu ví dụ để chúng tôi dễ hình dung: "Không tính chữ viết, trang phục, tục lệ... chỉ tính riêng lễ hội, người Dao Đỏ ở đây đã có 5 lễ hội trong năm. Lễ hội nào cũng vui, cũng đặc sắc".  

Trong chuyến du lịch Sa Pa, bản Tả Phìn, nơi có đông người Dao Đỏ sinh sống là một trong những địa điểm tham quan được nhiều du khách yêu thích. Tiếp chúng tôi tại trụ sở cộng đồng du lịch Tả Phìn là những người Dao Đỏ thuần phác. Mời chúng tôi chén rượu thóc lấy may, anh Lý Quảy Chiêu kể thêm về những phong tục trong đám cưới của người Dao Đỏ. Đưa mắt nhìn các thành viên đang bận rộn đeo thêm trang sức chuẩn bị biểu diễn đám rước dâu để giới thiệu với khách, Lý Quảy Chiêu không quên tranh thủ quảng bá cho sản phẩm du lịch của quê hương mình: “Hợp tác xã chúng tôi hiện có 42 thành viên, ai cũng nhiệt tình, khách có thể ngủ lại tại bản, đi rừng hái lá thuốc, hái rau rừng, tập nấu món ăn truyền thống”.

Cách đó không xa, tại Nhà hàng Vườn đá (Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn xanh), Lý Tả Mẩy (thường gọi là Mẩy Sinh) truyền cho chúng tôi kinh nghiệm tắm lá thuốc của người dân tộc mình. Lá thuốc tắm là bài thuốc Nam bí truyền của người Dao Đỏ. Tắm lá thuốc Dao Đỏ xịn nước phải tạo bọt trắng xóa. Thuốc lá ngấm vào qua da, rất tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý thời gian tắm không được quá lâu vì dễ say. Sau ngày đi đường, leo núi vất vả, tắm nước Dao Đỏ giúp xua tan mệt mỏi, tạo cảm giác thư thái, tràn đầy năng lượng. Hương lá thuốc phảng phất khắp không gian, cùng đôi mắt lúng liếng của những cô gái Dao xinh đẹp khiến du khách càng lưu luyến nơi đây.

Kể cho chúng tôi về văn hóa truyền thống của dân tộc mình với niềm tự hào lấp lánh trong ánh mắt, Mẩy Sinh khoe: “Đến bây giờ, dù cuộc sống hiện đại nhưng bé gái người Dao Đỏ ở Tả Phìn vẫn được bà, mẹ dạy thêu hoa văn quần áo. Những bộ quần áo dân tộc của chúng em được khách nước ngoài yêu thích. Em nhớ có vị khách nam mua chiếc quần thêu hình ruộng bậc thang, em bé người Dao rồi thích thú mặc và rối rít khoe với bạn bè”. Vậy Mẩy Sinh có thích làm du lịch không? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, em nói rằng ngoài có thêm thu nhập, làm du lịch giúp em hiểu biết và tự tin giao tiếp hơn, không như trước đây cứ nhìn thấy khách lạ là Mẩy Sinh không dám nói chuyện.  

LAN DỊU