Nếu chỉ lướt qua ban ngày, ghé thăm động Phong Nha danh tiếng, du khách ít có cơ hội chứng kiến sự thay đổi trong lối sống của cư dân địa phương. Đầu đường ĐT 20, đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến Trung tâm du lịch Phong Nha dài hơn 1 cây số. Khi trời đã nhá nhem và khi phố lên đèn, con đường bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Nhiều tốp khách du lịch nước ngoài túa ra đường. Họ nói, cười, giao tiếp với người dân địa phương một cách rất tự nhiên. Nhiều quán bia, quán ăn, quán cà phê bị lấp kín chỗ bởi lượng khách đông đảo này.
Khách du lịch nước ngoài có thói quen chơi rất khuya và ngủ dậy muộn. Đó là đối với những người lưu trú lâu dài. Còn đối với những người ưa khám phá thì lại đi từ rất sớm. Vậy nên buổi trưa và chiều gần như vắng bóng họ. Thời gian sôi động nhất là từ 7 giờ tối cho đến 3 giờ sáng. Nhiều vị khách chỉ về khi cơn buồn ngủ đã kéo đến díp mắt. Có điều hay là dù chơi khuya nhưng họ rất tuân thủ các quy định của địa phương, bao năm qua chưa xảy ra vụ lộn xộn nào từ các du khách này.
Một góc của quán Easy Tiger.
Đã quen với nếp sinh hoạt của những du khách nước ngoài, anh Lê Tuấn, chủ quán “Bún chả Hà Nội” lúc đó mới xếp thêm nhiều chiếc ghế ra quanh bàn barbecue. “Tây thích ăn đồ nướng kiểu này-anh Tuấn thủng thẳng nói-cũng tiện cho mình và tiện cho họ”. Khẩu vị và nhu cầu của du khách nước ngoài khá dễ chiều, các nhóm cũng dễ hòa đồng. Mỗi người cầm tay một chai bia, còn tay kia nhón thịt nướng là xong bữa.
Quán của anh Lê Tuấn đang xây dựng thực đơn mới với hy vọng thu hút thêm thực khách. Đối với các món ăn Tây, quán phải nhờ đến sự tư vấn của đầu bếp Nguyễn Thanh Tùng, một Việt kiều Đan Mạch. Anh Tùng đã hướng dẫn nhân viên quán chế biến thêm món sốt kem, sa-lát, thịt hầm đúng phong cách châu Âu. Nói chung những món này cũng không quá cầu kỳ so với tay nghề của nhiều đầu bếp địa phương. Chị Hạnh, đầu bếp của quán khoe: “Mới học được cách chế biến đã có người gọi món, họ đều khen ngon. Vậy mới biết rau, thịt ngay trong vườn nhà cũng đủ để chế các món ăn châu Âu”.
Sau bữa tối, gần như tất cả du khách tìm về các quán bar có biểu diễn nhạc sống. Quán nổi tiếng nhất trong khu vực này là Easy Tiger của anh chàng Ben người Ô-xtrây-li-a. Ben đã ở đây 6 năm và lấy vợ là chị Thảo người Đồng Hới. Đôi vợ chồng này liên tục mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh. Từ một quán bia ban đầu, đến nay họ đã có một cơ sở Farm-stay và đang xây dựng thêm một khách sạn cao cấp. Kém nổi tiếng hơn Easy Tiger một chút là quán Any. Khẩu hiệu của quán Any là: "Phục vụ đến người cuối cùng". Thời đầu mới mở, quán Any phải cho xe ôm lên chở khách từ Easy Tiger. Đến bây giờ khách đã quen lịch hoạt động, 11 giờ đêm Easy Tiger đóng cửa là tự di chuyển lên Any chơi cho đến sáng.
Hai quán Easy Tiger và Any có chung một phong cách là sử dụng nhạc sống, sàn nhảy, đồ uống có cồn và phong cách rất “Tây” làm thế mạnh. Có thể nói rất khó cho người Việt khi tự mở một quán bar mang phong cách “Tây”. Đó thật sự là nét khác biệt văn hóa, thứ mà nếu không có những người như Ben đầu tư vào thì địa phương khó có được phong cách này. Chính quyền xã cũng đánh giá rất cao những nhà đầu tư như Ben. Ông Phan Thanh Luận, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, nói: “Hiện giờ xã vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Ngoài ra tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch cũng có nhiều chính sách ưu tiên thu hút vốn. Đặc biệt, trong năm 2017, xã đã xây dựng kế hoạch phấn đấu thành thị trấn du lịch nên địa phương rất cần sự đầu tư từ nhiều nguồn vốn trong xã hội”.
Phó chủ tịch UBND xã Phan Thanh Luận có cảm nhận rằng xã Sơn Trạch đang “thay da đổi thịt” hằng ngày. Ông nêu ra mấy con số rất thuyết phục để so sánh giữa các thời kỳ. Đó là từ thời trước khi có khu du lịch Phong Nha, Sơn Trạch chỉ là một xã thuần nông, sống dựa vào rừng và một phần nhỏ của sông Côn. Đất xấu lại hay ngập lụt nên dân làng thiếu đói dai dẳng. Đến nay, trong cơ cấu kinh tế đã có 52% hộ gia đình chuyển mô hình kinh tế dịch vụ, 29% hộ làm các ngành nông, lâm, thủy sản. Năm 2016, lượng cá bè nuôi trên sông Côn đạt hơn 250 tấn, phần lớn trong số này phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Có thể nói, nhờ du lịch mà các ngành nghề kinh tế được “làm từ gốc, ăn tận ngọn”, đời sống nhân dân được nâng cao, kéo theo đó là các mặt y tế, giáo dục được chăm lo và phát triển mạnh mẽ.
Một điều rất lý thú là nhờ sự hiện diện của du khách nước ngoài mà khả năng ngoại ngữ của người Sơn Trạch được nâng cao rõ rệt. Trung tâm học tập cộng đồng của xã mở ba khóa ngoại ngữ giao tiếp trong năm, mỗi khóa có khoảng 30 học viên mà lớp luôn kín chỗ. Hôm nay, đi trên con đường vào trung tâm xã, qua làng Cù Lạc 2, người ta đã thấy dáng dấp của một đô thị du lịch trẻ phát triển năng động theo hướng bền vững, tận dụng tối đa những ưu đãi từ thiên nhiên. Niềm hy vọng của nhiều người về một “tiểu Hội An” ngay trên đất Quảng Bình này là hoàn toàn có cơ sở.
Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ