“Đại gia” du lịch trở thành “đại nợ”

Một ngày nghỉ cuối tuần, trong khu nhà trọ chật hẹp ở làng Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội), công nhân Trần Văn Thanh (Thái Bình) đang chăm chú chơi điện tử, căn phòng nhỏ đồ đạc vẫn bày bừa, bát mì tôm chỉ còn nước chưa được dọn đi. Trần Văn Thanh trở thành công nhân của Công ty Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai) và đang “tập” làm quen với cuộc sống mới sau khi không thể tiếp tục làm nghề nấu bếp cho nhà hàng ở trung tâm thành phố Hà Nội như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Ánh mắt đượm buồn, Thanh nhớ về thời gian trước được làm đúng nghề yêu thích mà không biết bao giờ mới được trở lại với nghề.

Khác với Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế châu Á Thái Bình Dương APT Travel, ông Nguyễn Hồng Đài chưa đến mức phải bỏ nghề, nhưng công ty trước đây nhộn nhịp đến vài trăm nhân viên, sau 4 đợt dịch tới tấp ập tới, giờ chỉ còn 5-6 người, hoạt động chủ yếu để duy trì. Trước dịch, APT Travel đầu tư dàn xe Limousine chuyên chở khách du lịch với hơn hai chục chiếc, mỗi chiếc giá lên tới 1,9 tỷ đồng nhưng vì ế ẩm không có khách du lịch nên công ty buộc phải bán xe dù bị lỗ nặng so với khi mua. Chiếc tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long mới đầu tư cả vài trăm tỷ đồng cũng phải chuyển nhượng. Ông Đài buồn rầu nói: “Dù gì công ty chúng tôi vẫn còn may mắn vì rút sớm nên chưa bị âm vốn. Nhiều bạn nghề không nghĩ dịch kéo dài lâu đến vậy. Họ vay ngân hàng để đầu tư thêm sau mỗi đợt dịch nhằm gắng gượng tìm khách. Nhưng với tình hình này, cuối năm nay khéo còn nhiều công ty phá sản. Đen đủi nhất là những công ty vay đầu tư và đã trả nợ được một phần, thậm chí một nửa khoản nợ rồi nhưng giờ tài sản công ty bán không đủ trả lãi ngân hàng. Các “đại gia” du lịch giờ trở thành “đại nợ” hết rồi”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Silkstar Holidays Lụa Vàng cũng cho biết, nhiều bạn bè làm trong nghề du lịch cũng chuyển sang môi giới bất động sản, tư vấn bảo hiểm nhân thọ... Hướng dẫn viên thì sang làm bảo vệ, xe ôm, ship đồ hoặc bán hàng online. Bản thân bà cũng phải tìm nghề khác trong lúc nghỉ nghề du lịch vì dịch bệnh.

 Khách tham quan một vườn tiêu ở Phú Quốc (Kiên Giang) (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Cứu doanh nghiệp, cứu ngành du lịch

Dù khó khăn nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng vẫn không ngừng nỗ lực và mong muốn sớm quay trở lại nghề. Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group cho biết: "Kể từ khi dịch Covid-19 tấn công Việt Nam, Sun Group đã xác định không đặt mình ngoài cuộc chiến chống đại dịch của đất nước. Tính chung từ đầu mùa dịch đến nay, tổng số tiền mặt và trị giá hiện vật mà Sun Group đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước đã lên tới con số 575 tỷ đồng, chưa kể hai bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và Hải Dương. Chúng tôi muốn chung tay góp sức cùng Chính phủ và các địa phương, để đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, từ đó mới có thể tính đến bài toán làm sao giúp du lịch phục hồi. Ở thời điểm này, hỗ trợ đất nước và các địa phương phòng, chống dịch cũng là cách để doanh nghiệp tự cứu mình”. Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Đài đang tiến hành những bước đi cho một dự án du lịch dài hơi; ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel chuyển sang tiếp thị bia để bổ trợ cho sản phẩm du lịch sau này...

Mới đây, trong Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 63 điểm cầu truyền hình trên cả nước ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Thị trường du lịch phải hướng tới cân bằng, bền vững giữa khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Đặt trọng tâm vào tỷ lệ chi tiêu của du khách”. Cũng theo Bộ trưởng, ngành du lịch phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa và đổi mới sản phẩm...

Có thể thấy đây là những nỗ lực đáng ghi nhận nhưng chưa giải quyết vấn đề quan trọng hiện nay. Theo hầu hết các chuyên gia, để phát triển trong thời gian tới, trước tiên ngành du lịch cần những doanh nghiệp tồn tại và khỏe mạnh. Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa thiết thực với doanh nghiệp du lịch. Ví dụ như giảm thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp đâu có doanh thu mà giảm; giảm tiền điện, nhưng doanh nghiệp đâu có hoạt động, nên cũng không sử dụng điện nhiều. “Với những chính sách không thiết thực thì thà không có còn hơn”, ông Nguyễn Hồng Đài nói thay nỗi lòng của nhiều doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, Chính phủ đã sớm có chỉ đạo chung, vì thế cơ quan quản lý nhà nước nói chung, Tổng cục Du lịch-cơ quan quản lý trực tiếp về du lịch nói riêng nên sớm có những giải pháp sáng tạo, hành động kịp thời, không để doanh nghiệp du lịch khó càng thêm khó mãi như vậy. Chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ với Tổng cục Du lịch để mong cơ quan này chia sẻ thông tin về những giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp du lịch nhưng đều bị từ chối một cách khó hiểu.

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối năm 2019, nước ta có hơn 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động. Sáu tháng đầu năm 2021, lượng khách quốc tế và doanh thu từ dịch vụ lữ hành tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

 

Bài và ảnh: LAN DỊU