Đầu tư chưa đúng tiềm năng
Năm 2013, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh ký kết chương trình hợp tác chiến lược phát triển tam giác du lịch “Bình Thuận-Lâm Đồng-TP Hồ Chí Minh”. Nội dung hợp tác, gồm: Quảng bá xúc tiến du lịch; liên kết đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, phát triển sản phẩm du lịch mới; đào tạo nguồn nhân lực...
Sau gần 5 năm hợp tác, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 236 dự án, chiếm 60% tổng dự án đầu tư tại tỉnh Bình Thuận với diện tích 4.229ha, tổng mức vốn hơn 30.900 tỷ đồng. Còn tại Lâm Đồng, thành phố đã đầu tư 237 dự án chiếm 42% tổng dự án đầu tư tại Lâm Đồng. Lâm Đồng và Bình Thuận cũng phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức một số lễ hội văn hóa, sự kiện du lịch. Thành phố cũng tổ chức một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, nhân viên hai tỉnh bạn. Tuy nhiên, kết quả hợp tác vẫn còn hạn chế. Các địa phương vẫn chỉ dừng lại ở mặt định hướng chiến lược, chưa liên kết chặt chẽ khai thác tiềm năng của nhau, nhất là xây dựng thương hiệu tua liên kết.
Khu du lịch Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có nhiều dự án đầu tư của TP Hồ Chí Minh.
Bình Thuận có thế mạnh du lịch biển, nhưng các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh lại chủ yếu đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có nhiều dự án đầu tư chưa xứng tầm, tiến độ triển khai chậm, tỷ lệ dự án thực sự đầu tư kinh doanh du lịch còn thấp. TP Hồ Chí Minh là điểm đến, trung tâm trung chuyển du khách, tổ chức các sự kiện, quảng bá du lịch… Thế nhưng, thời gian qua, việc quảng bá giới thiệu du lịch Bình Thuận, Lâm Đồng tại các sự kiện du lịch của TP Hồ Chí Minh cũng chưa nhiều, do đó các địa phương cũng chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Mỗi địa phương có những tiềm năng khác nhau. Cũng chính từ hợp tác liên kết đầu tư không đúng tiềm năng nên hiệu quả hợp tác không cao. Vì vậy, việc liên kết hỗ trợ nhau tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử, phát triển sản phẩm du lịch mới cũng hạn chế. Các địa phương vẫn tồn tại tình trạng mạnh ai nấy làm. Đặc biệt trong liên kết giữa các hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch cũng rời rạc, thời vụ, nên chưa xây dựng được tua hấp dẫn (TP Hồ Chí Minh-Bình Thuận-Lâm Đồng) với mục tiêu “Một chuyến đi, ba điểm đến”.
Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận cho biết, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do nguồn ngân sách dành cho du lịch của các tỉnh, thành phố còn hạn chế, chưa đủ khả năng triển khai nội dung, chương trình hợp tác lớn, nhất là đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch mới, xây dựng tua liên kết. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng chưa thực sự chủ động triển khai nội dung, chương trình hợp tác đã ký kết. Trong hợp tác, các địa phương lại không xác định rõ phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm và phân công đơn vị phụ trách cụ thể dẫn đến nhiều nội dung hợp tác chậm thực hiện, triển khai chung chung, hiệu quả chưa cao. Quá trình hợp tác, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng chưa thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu, xác định thế mạnh, thuận lợi, khó khăn của địa phương mình để hợp tác đầu tư hiệu quả. Các doanh nghiệp của các địa phương chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực hạn chế, kinh doanh thiếu chuyên nghiệp. Các địa phương thiếu chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc thu hút khách qua chương trình hợp tác còn thấp, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ ít…
Phối hợp xây dựng “Một chuyến đi, ba điểm đến”
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh liên kết tam giác du lịch, các địa phương sẽ chủ động rà soát đánh giá đúng thực trạng, phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm hỗ trợ nhau khai thác tốt tiềm năng. Trước hết, các địa phương sẽ chú trọng triển khai tốt chương trình “Một chuyến đi, ba điểm đến”, tạo đột phá trong phát triển tam giác du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch “Chợ Sài Gòn-hoa Đà Lạt-biển Múi Né” hấp dẫn.
Với vai trò hạt nhân trung tâm, TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tốt chuỗi sự kiện, lễ hội đặc trưng, tạo điểm nhấn xây dựng thương hiệu tua du lịch “Chợ Sài Gòn-hoa Đà Lạt-biển Mũi Né”; qua đó xúc tiến quảng bá thu hút du khách, nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước tham gia. TP Hồ Chí Minh giữ vai trò điều tiết, định hướng, phân phối khách theo tua “Một chuyến đi, ba điểm đến” hiệu quả. Các địa phương thống nhất, sẽ chủ động xây dựng thương hiệu của riêng mình, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn, có nhiều sản phẩm du lịch mới; kiên quyết ngăn chặn nạn chèo kéo, “chặt” “chém” khách. Sắp tới, các ngành chức năng sẽ phối hợp rà soát, đánh giá đúng thực trạng, kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả...
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN