“Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia du lịch, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp để lấy lại hình ảnh cho du khách Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu du lịch trong thời kỳ mới.
Chùa Trấn Quốc - một trong những điểm thu hút khách du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Thông tin từ Câu lạc bộ Nhà báo du lịch, trong một năm qua, ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua phát triển với tốc độ tương đối cao; các ngành du lịch… đã chủ động vào cuộc triển khai chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” trong cả nước. Chiến dịch này đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn những hình ảnh xấu xí của du khách bị cộng đồng lên án mạnh mẽ như: Nói to ở nơi công cộng, “vô tư” hút thuốc nơi có biển cấm; xả rác bừa bãi; ăn cắp vặt; trang phục tùy tiện không phù hợp với địa điểm tham quan; ăn uống lãng phí.
Trước những hình ảnh xấu xí này, hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, vấn đề giữ gìn và nâng cao hình ảnh du khách Việt là câu chuyện của toàn xã hội, tuy nhiên ngành du lịch nên đi tiên phong trong vấn đề này để lấy lại vị thế cho du khách Việt Nam cũng như góp phần làm đẹp cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển. Tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Chiến dịch này đã nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch và các bộ, ngành, địa phương cả nước.
Bên cạnh đó, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây chính là tín hiệu thể hiện sự quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn. Tuy nhiên, để những quy tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn cần sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các địa phương, người dân, du khách và nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Một số doanh nghiệp lữ hành cũng cam kết sẽ vào cuộc với những hoạt động thiết thực để nâng cao hình ảnh cho du khách Việt.
Tin, ảnh: THANH PHƯƠNG