Tài nguyên du lịch phong phú
Bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh có gần 600 nhân khẩu, đều là người Thái. Nơi đây lưu giữ các điểm di tích gắn với nhiều truyền thuyết thú vị về người anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Dưới chân núi Chí Linh, ngôi làng người Thái với những nếp nhà sàn nguyên bản nằm lưng chừng núi. Quanh làng dòng suối nước trong veo. Ngôi làng càng hấp dẫn du khách bởi nụ cười mến khách của dân làng. Họ sẵn sàng mời khách cùng nhảy điệu múa sạp, uống ché rượu lá đặc trưng… Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Phạm Đăng Lực cho biết: Hiện nay, khu du lịch cộng đồng bản Năng Cát-thác Ma Hao đang được gấp rút đầu tư hệ thống giao thông cùng với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật cơ bản của điểm du lịch như: Trung tâm đón tiếp và phục vụ du khách, hệ thống biển chỉ dẫn tham quan du lịch, hệ thống thùng thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng... Bên cạnh đó, bà con nơi đây cũng đã được tập huấn văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch, kỹ năng nấu ăn và hướng dẫn khách du lịch; đồng thời hình thành những đội văn nghệ truyền thống sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ công bố tuyến du lịch bản Năng Cát-thác Ma Hao.
Cách Năng Cát không xa, khu du lịch Pù Luông (huyện Bá Thước) với bản Hiêu, bản Đôn… cũng mang vẻ đẹp say đắm lòng người và đã bước đầu trở thành một điểm đến được yêu thích trên bản đồ du lịch. Ông Lò Văn Thắm, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tự hào về vùng đất với nhiều hang động đẹp, 8 di tích lịch sử, danh thắng như: Di tích Khảo cổ mái đá điều, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Muốn, thác Hiêu, hang Tống Duy Tân, hồ Thạch Minh… Ở đây có các khu, hệ thực vật với nhiều loài phong lan quý hiếm, tạo ra cho các khu rừng những cảnh sắc không nơi nào có được. Ngoài những thảm rừng già hoang dã, nơi đây còn có những thửa ruộng bậc thang, những nét văn hóa đặc sắc. Hiện tại, trên địa bàn huyện có hai loại hình du lịch chính là du lịch công vụ và du lịch sinh thái cộng đồng. Nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch đã được tập huấn đào tạo kỹ năng du lịch sinh thái cộng đồng.
Bắt đầu hình thành những khu du lịch cộng đồng
Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành một số điểm đến du lịch cộng đồng, bắt đầu thu hút một lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng bào các dân tộc vùng miền núi Thanh Hóa những năm trở lại đây đã từng bước làm quen và tự nguyện tham gia các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch này cũng bắt đầu hình thành và phát triển tại bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường (huyện Bá Thước), bản Hang (huyện Quan Hóa), làng Lương Ngọc (huyện Cẩm Thủy), Khu du lịch Pù Luông, Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương, bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) gắn với thác Ma Hao, Vườn Quốc gia Bến En…
Đứng bên dòng suối với loài cá mang đậm tính tâm linh truyền thuyết của văn hóa bản địa ở Cẩm Lương, ông Nguyễn Ngọc Bách, đại diện Công ty Vietravel, nhận xét: “Du lịch của miền tây Thanh Hóa còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Với những điểm du lịch sinh thái như: Bản Năng Cát, thác Ma Hao, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương… là những điểm du lịch với khung cảnh thiên nhiên đẹp, những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Thái. Do vậy, tiềm năng về du lịch của khu vực miền tây Thanh Hóa còn rất lớn”.
Bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tính đến năm 2015, loại hình du lịch cộng đồng đã thu hút được gần 1 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 800 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, nhiều giá trị văn hóa, tinh thần đã và đang được khai thác phục vụ khách du lịch như: Hàng dệt thổ cẩm truyền thống, sản phẩm đan lát, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, lễ hội, sản phẩm nông nghiệp, rượu cần, hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, các nhạc cụ truyền thống... Từ thành công của những mô hình đó, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là những huyện miền núi Thanh Hóa tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm hình thành, phát triển mạnh các điểm du lịch cộng đồng ở các làng, bản có tiềm năng.
Đón bắt những tiềm năng của du lịch miền tây Thanh Hóa, nhiều công ty du lịch đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào khu vực này. Pù Luông đã có nhà đầu tư nước ngoài rót vốn xây dựng một khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách ngoại quốc tiêu chuẩn cao. Cùng với đó, ông Nguyễn Ngọc Bách cũng cho biết thêm: “Trong tháng 12-2016, Vietravel đã xây dựng một tour cho du khách là Hà Nội-Pù Luông-Khu du lịch Trí Nang trong hai ngày với giá trọn gói chưa đến 2 triệu đồng/khách. Nếu thành công thì công ty sẽ đẩy mạnh tour này trong năm 2017”.
Bài và ảnh: LAN DỊU