Đến với Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, có lẽ ấn tượng nhất là 30 ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày, Nùng quần tụ trong không gian xanh mướt của núi đồi, hồ nước. Ánh đèn điện chăng khắp “bản” vào buổi tối, đẹp lung linh. Nhưng buổi sáng bình minh có lẽ là thời điểm đẹp nhất ngày của khu bảo tồn. Mở mắt nhìn qua cánh cửa liếp nhà sàn, cả một không gian xanh mát, mùi thơm của cỏ cây cùng tiếng gà gáy… đều trọn vẹn sau giấc ngủ sâu. Nhiều người có chung nhận xét, cách làm du lịch cộng đồng của Thái Hải khá “đến nơi đến chốn”. Dù là khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc nhưng vệ sinh là yếu tố được bảo đảm khá sạch sẽ, từ phòng tắm, vệ sinh theo phong thái nhà sàn nhưng bên trong sạch bong, thơm phức, tới chăn ga, sàn gỗ, cầu thang, đường đi lối lại… đều sạch sẽ.

Nói về Thái Hải cũng không thể bỏ qua bếp ăn với những đầu bếp nấu món dân tộc thực sự chuyên nghiệp. Thứ chuyên nghiệp của món ăn vừa bảo đảm tính độc đáo, lạ miệng nhưng vẫn vừa miệng du khách. Bí quyết cơ bản nhất được “chủ nhà” tiết lộ là mọi đồ ăn đều bảo đảm sạch và tươi. Tất cả mọi hoạt động sản xuất bên trong phạm vi Thái Hải đều mang tính tự cung tự cấp. Những người Tày, Nùng kéo cả vợ, chồng, con cái vào làng sinh sống với hơn 100 người. Họ trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đúng quy trình đặc trưng của dân tộc mình… Mọi hoạt động đều gắn với sinh thái để bảo đảm không tác động tới môi trường và duy trì nguồn thực phẩm sạch, bổ dưỡng để sử dụng.

Du  khách được tham gia các trò chơi dân gian quanh nếp nhà sàn. Ảnh: VIỆT LIÊN.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, người xây dựng nên khu bảo tồn vốn là một người con dân tộc Tày (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã có ý tưởng và tâm huyết giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống của vùng đất quê hương. Từ ý tưởng đến thực hiện đều nhất quán với tâm huyết là không chỉ giữ lại “phần xác” mà quan trọng là phải giữ lại “phần hồn” của những ngôi nhà sàn đó. Tức là phải thổi vào đó sức sống và hồn vía của bản làng dân tộc bằng một cuộc sống thực sự bên trong và xung quanh những ngôi nhà ấy. Ở đó mọi hoạt động sinh hoạt và lao động diễn ra bình thường như một làng bản thu nhỏ, khôi phục và lưu giữ lại những giá trị văn hóa bao đời của ông cha. Ở đó, mọi người gọi nhau là gia đình và bọn trẻ con gọi chung một tiếng “mẹ Hải”. Không chỉ cùng nhau sản xuất, các thành viên trong “gia đình” đó đều cố gắng duy trì và gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình, từ trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hằng ngày tới những lễ hội truyền thống... Từ năm 2014, nơi đây được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Những người nông dân quen với ruộng đồng trở thành những hướng dẫn viên nhiệt tình giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

LAN DỊU