Trong cuốn "Phủ biên tạp lục", Lê Quý Đôn đã đề cập đến gốm "Cochi”, "Cauchi” (Giao Chỉ) được người nước ngoài ưa chuộng. Trong dòng gốm này có cả gốm Thanh Hà xứ Quảng. Từ thế kỷ 17, do việc tái tạo TP Hội An mà sinh ra ngành gạch ngói rất thịnh hành ở Thanh Hà. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực, gốm Thanh Hà còn trở thành mặt hàng trao đổi mua bán cho cả xứ Đàng Trong. Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân được gọi ra Huế xung vào đội thợ xây dựng cố cung. Thanh Hà cũng chính là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An. Sản phẩm gốm Thanh Hà chủ yếu là gốm sành nâu, thỉnh thoảng có gốm tráng men, được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét. Qua bàn tay của các nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống, gốm Thanh Hà có chất lượng bền, đẹp, trở thành mặt hàng được nhiều thương gia lựa chọn khi đến phố Hội.

Các nghệ nhân làng Thanh Hà trình diễn nghệ thuật làm gốm.

Thời gian dần trôi, sản phẩm gốm không còn được ưa chuộng nhiều như trước. Làng gốm nghèo, tứ tán. Anh Nguyễn Văn Sáu, một gia đình làm gốm của Thanh Hà, kể: Trước đây làng gốm nghèo, gia đình anh không đủ nuôi sống mấy miệng ăn. Anh phải bươn chải khắp các làng gốm trong Nam ngoài Bắc, làm đủ nghề nhưng vẫn rất khó khăn. Bố mẹ, vợ con anh không có khoản thu nhập nào đáng kể nên cuộc sống vô cùng bấp bênh. Chỉ đến những năm gần đây, Thanh Hà trở thành địa chỉ được khách du lịch ưa chuộng, nghề gốm quê hương được hồi sinh, anh Sáu quay về cùng vợ con chăm lo cho lò gốm nhỏ của gia đình. Cuộc sống khấm khá hơn, gia đình anh được đoàn tụ sum vầy.

Là một làng nghề truyền thống cạnh đô thị cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà vẫn bảo tồn phương thức sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Chính vì thế, làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung. Ngoài những lò gạch lớn rải rác cách xa nhau thì hầu như mỗi gia đình nơi đây đều có những lò gốm nhỏ nằm trong sân vườn. Thêm một điểm thu hút khách du lịch của Thanh Hà chính là những nếp nhà cũ, con đường nhỏ dẫn lối trong làng cùng những hàng rào cây xanh cao ngang ngực đặc trưng của vùng quê Việt. Thanh Hà cách phố cổ Hội An chưa đầy nửa giờ đồng hồ đạp xe thong dong nên đặc biệt thu hút nhiều du khách.

Ý thức làm du lịch của người dân Thanh Hà tương đối tốt. Nhiều gia đình giờ đây không làm hàng để bán mà chủ yếu phục vụ khách du lịch đến tìm hiểu nghề. Việc giữ lửa lò gạch, giữ làng, giữ nhà được người dân coi như giữ lửa cho cuộc sống của họ. Họ tự hào khoe với chúng tôi về Công viên đất nung Thanh Hà được xây dựng từ năm 2011 và chính thức đưa vào hoạt động năm 2015. Với diện tích rộng hơn 6.500m2, gồm hai bố cục chính bao gồm: Lò úp-nơi lưu giữ những tác phẩm gốm truyền thống của làng nghề gốm Thanh Hà; lò ngửa với ba tầng là nơi để trưng bày và tổ chức các buổi triển lãm sản phẩm gốm mới, trong đó, mỗi hộ dân sẽ có một lô riêng để giới thiệu sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất ra. Nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nhân loại được tái hiện rõ nét và sinh động ở nơi đây, như: Tháp nghiêng Pisa (Italy), đền Taj Mahal (Ấn Độ), nhà hát Sydney (Australia)... Không chỉ là công viên đất nung, nơi đây còn là bảo tàng nghề gốm của Việt Nam với hàng nghìn sản phẩm, hiện vật, tranh ảnh... liên quan đến lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc gốm của người Việt. Công viên đất nung Thanh Hà được đề cử trong top 10 công trình kiến trúc ấn tượng nhất của Việt Nam năm 2016. Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: "Bên cạnh phố cổ, thành phố cũng phát triển thêm các sản phẩm, các điểm mới cho khách du lịch khi đến Hội An. Phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống là hướng đi đến nay đã khẳng định sự đúng đắn, không những đem lại nguồn lợi kinh tế-xã hội cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Người dân được lợi nên cũng có ý thức hơn với các giá trị văn hóa của cha ông mình".

Trở về từ Thanh Hà, chúng tôi mang theo những đồ vật nhỏ xinh làm kỷ niệm về một vùng quê Việt thuần phác. Những người dân Thanh Hà hẹn gặp chúng tôi vào lễ hội làng gốm. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Thanh Hà, mang đậm tín ngưỡng dân gian với nhiều nghi thức cổ truyền được chính các nghệ nhân và bà con trong làng thực hiện.

Bài và ảnh: LAN DỊU - NGUYỄN NGÂN