Đa dạng trong sự… trùng lắp

Xét về “lợi thế so sánh”, tiềm năng du lịch của ĐBSCL không thua kém các vùng, miền khác trong cả nước. Đặc biệt với loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, vùng đất này sở hữu thế mạnh ít nơi nào có được.

Xem qua nội dung quảng bá du lịch của các địa phương vùng ĐBSCL, điều dễ nhận thấy là địa phương nào cũng giới thiệu mình có lợi thế riêng, đặc sắc với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch. Trong đó nổi bật có những loại hình như: Trải nghiệm cảnh quan sông nước, miệt vườn; tìm hiểu sinh hoạt truyền thống của cộng đồng; tham quan các vườn quốc gia, vùng đất ngập nước, làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng không quên nhắc đến “nét đặc sắc tạo nên sự khác biệt” gồm những lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, công trình kiến trúc, ẩm thực, sản phẩm văn hóa phi vật thể (nhất là đờn ca tài tử). Từ nội dung quảng bá, các địa phương xây dựng cho mình những sản phẩm du lịch để thu hút khách mà ít chú trọng đến sự khác biệt trên cái nền tổng thể.

leftcenterrightdel
Khách nước ngoài tham quan miệt vườn tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. 
leftcenterrightdel

Khám phá sông nước, một trong những loại hình du lịch tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trước thực trạng trên, các chuyên gia, nhà quản lý từng đưa ra cảnh báo: Do đặc điểm tài nguyên du lịch dựa vào giá trị sông nước có tính tương đồng cao, vì thế phần lớn các sản phẩm được xây dựng (tuy đa dạng về hình thức) nhưng chứa đựng những nội dung giống nhau, trong khi ĐBSCL chưa hình thành nên các sản phẩm du lịch hội tụ giá trị tiêu biểu nhất của các dạng tài nguyên đặc sắc.

Ông Lâm Thanh Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhìn nhận: Mặc dù một số địa phương đã có sự quan tâm đầu tư, “làm mới” sản phẩm du lịch nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ du lịch đều còn thiếu và yếu. “Ví dụ như biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách, các địa phương đều có hình thức tổ chức khác nhau nhưng thiếu tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, không gian không phù hợp. Đều này sẽ khiến du khách nản lòng, hiểu không đúng về giá trị đích thực của đờn ca tài tử”, ông Bình dẫn chứng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ các địa phương, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng chưa quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; không ít doanh nghiệp bám vào tài nguyên tự nhiên sẵn có (cảnh quan sông nước, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa) để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó còn có hiện tượng các doanh nghiệp sao chép sản phẩm du lịch của nhau mà không có tính sáng tạo, dấu ấn riêng. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch tại ĐBSCL cho rằng, việc sao chép sản phẩm du lịch của nhau giữa các cơ sở du lịch là khá phổ biến.

Ông Phạm Đặng Việt Tiệp, Phó giám đốc Công ty du lịch TST Tourist (TP Cần Thơ) cho biết, hiện nay gần như địa phương nào cũng có các tour, tuyến du lịch sông nước, miệt vườn, tham quan chợ nổi, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, thưởng thức đờn ca tài tử… Để trải nghiệm gần như toàn bộ loại hình này, du khách chỉ cần ghé tỉnh Tiền Giang mà không phải đến bất cứ một tỉnh, thành phố nào khác trong vùng. Nơi đây lại gần với TP Hồ Chí Minh, rất thuận tiện nên du khách không muốn tới chỗ khác mất thêm thời gian. Còn du khách đến TP Cần Thơ, họ chỉ ở lại trong buổi sáng để tham quan chợ nổi Cái Răng, sau đó ngược lên Châu Đốc (tỉnh An Giang) và sang Cam-pu-chia. Nói ĐBSCL là “điểm đến” chứ chứ phải điểm dừng chân là vậy.

Cần một “nhạc trưởng” xứng tầm

Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thông qua từ năm 2010 và Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL cũng được Bộ VH-TT-DL phê duyệt đầu năm 2015. Các đề án đều có đưa ra những định hướng cơ bản về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tuy nhiên đến nay, hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL vẫn chưa hình thành.

Thật bất ngờ và khó tin, trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thanh Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tiết lộ: Thế nào là sản phẩm du lịch đặc thù, đến giờ này có ai chính thức đưa ra khái niệm, định nghĩa thuyết phục về “nó” đâu. Do chưa thống nhất cách hiểu nên nhiều địa phương lúng túng. Hiện vẫn chưa có địa phương nào gửi về hiệp hội đề án phát triển sản phẩm du lịch để phối hợp quảng bá, giới thiệu. Trước đây, hiệp hội đã phối hợp với các địa phương bình chọn, công nhận 31 điểm du lịch tiêu biểu nhưng sắp tới một số “điểm du lịch tiêu biểu” đó sẽ phải bị rút lại vì không phù hợp, thiếu tính định hướng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngành du lịch TP Cần Thơ chỉ mới bắt tay vào xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch, sau đó còn phải tiến hành các bước khảo sát, tham vấn cộng đồng, tranh thủ ý kiến của chuyên gia. “Trong đề án có nhấn mạnh các sản phẩm như: Trải nghiệm đô thị sông nước, miệt vườn; tham quan chợ nổi Cái Răng và các cù lao trên sông Hậu, cầu đi bộ Cần Thơ”, Ông Nguyễn Thiện Thành, Phó trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DT TP Cần Thơ) chia sẻ.

Ông Trần Thắng Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tháng 6-2016, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao khả năng khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương trong mối tương quan với du lịch ĐBSCL và cả nước. Trong đó tập trung phát triển nhiều sản phẩm như: Trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh rừng tràm ngập nước, tìm hiểu các giá trị di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực đồng quê; tìm hiểu về môi trường, môi sinh và các giá trị đa dạng sinh học… Dự kiến, tổng số vốn đầu tư thực hiện kế hoạch đến năm 2020 khoảng 20 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), sự “chuyển động” chậm trễ trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở ĐBSCL còn có nguyên nhân là do nơi đây chưa có đề án chuyên đề về liên kết phát triển sản phẩm du lịch, chưa xác định rõ lợi thế so sánh của từng địa phương. ĐBSCL cũng chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Hợp tác phát triển du lịch trong vùng mới chủ yếu dừng lại ở nguyên tắc chứ chưa phát huy được trong thực tế.

Ông Phạm Vũ Hồng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL cho biết: So với năm 2015, khách du lịch đến với ĐBSCL tăng bình quân 11%, tổng doanh thu từ du lịch tăng hơn 20% (năm 2015, ĐBSCL thu hút 25,8 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch toàn vùng đạt 8.635 tỷ đồng). Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch của ĐBSCL vẫn chưa cao, chưa có tính đột phá. Công tác liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Để các đề án của Bộ VH-TT-DL đi vào cuộc sống, cuối tháng 12-2016 vừa qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tiếp tục đề xuất các bộ, ngành, cơ quan có liên quan sớm triển khai quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch ĐBSCL. Vì hiện nay, ĐBSCL vẫn chưa có một “nhạc trưởng” xứng tầm, đủ uy tín đứng ra điều phối, liên kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU