Thuở xưa, mạng lưới kênh rạch chằng chịt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giúp giao thương thuận tiện, chợ nổi Cái Răng nổi tiếng sầm uất. Ngày nay, dù mạng lưới đường bộ, đường không đã phát triển mạnh mẽ, nhưng nét đặc trưng truyền thống của loại hình buôn bán này vẫn được người dân nơi đây ưa chuộng, tạo nên một dấu ấn văn hóa thật đặc biệt với những người từ nơi khác đến. Chợ nổi Cái Răng vì thế in dấu ấn đậm nét với du khách trên toàn thế giới. Nơi đây, được trang du lịch Youramazingplacesbình chọn là 1 trong 5 chợ nổi đẹp, thú vị nhất khu vực châu Á…
Ngoài nông sản, chợ nổi còn có những thuyền bán đồ ăn phục vụ khách.
Từng đến khu chợ nổi tiếng và cũng không ít lần cảm thấy tự hào khi được đọc, được nghe bạn bè quốc tế chia sẻ những trải nghiệm thú vị về chợ nổi Cái Răng, nhưng mỗi lần đến nơi đây chúng tôi lại có một cảm nhận khác lạ. Lần này, ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ông đề cập đến 4 “treo” để nói về khu chợ đặc biệt của địa phương mình. Thứ nhất, hẳn nhiều người biết là lối rao hàng độc đáo, treo những thứ ghe thuyền có bán trên cây tre dài khoảng 3-5m gọi là cây bẹo. Người Cần Thơ gọi đó là “treo gì bán nấy”. Thứ hai, “treo mà không bán”. Đây cũng là điều khác lạ, hấp dẫn du khách đến với chợ nổi Cái Răng vì khi đến nơi này, họ được quan sát, tìm hiểu sinh hoạt, có khi đến vài thế hệ của những thương hồ sống trên ghe. Chỉ những gia đình với ghe thuyền chính là nhà mới có treo quần áo của trẻ con, người lớn như vậy. Thứ ba, chợ nổi có đồ “không treo mà bán”. Do chợ hoạt động từ nửa đêm về sáng nên người đi chợ không chỉ tìm mua trái cây, nông sản. Những chiếc thuyền nhỏ len lỏi phục vụ khách đi chợ và tham quan chở các mặt hàng ăn nhẹ, giải khát như bánh, phở, hủ tiếu, cà phê… góp phần tạo sự gần gũi và náo nức hơn cho khu chợ. Còn một hình thức “treo cái này nhưng bán cái khác” hay còn gọi là “bẹo lá bán ghe”. Nếu nhìn thấy trên cây bẹo không treo nông sản, trái cây mà treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa thì người ta có thể mặc định hiểu ngay rằng chính chiếc ghe, xuồng có cắm cây bẹo là thứ mà chủ nhân muốn bán…
Chợ nổi Cái Răng còn nhiều điều thật thú vị và sẽ thú vị hơn nếu tự mình trải nghiệm nét văn hóa đẹp này. Nhằm bảo tồn và tạo điều kiện để khu chợ được sung túc hơn, TP Cần Thơ đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng. Đề án này dự kiến sẽ được hoàn thiện, phê chuẩn trong năm 2016.
Được biết, ngày 8 và 9-7, Cần Thơ sẽ tổ chức “Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng”, tại đường Võ Tánh và một số khu vực lân cận. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có nhiều hoạt động như: Lễ khai mạc; diễu hành ghe, tàu trên sông; triển lãm ảnh, trưng bày, quảng bá du lịch; trưng bày các mô hình ghe, xuồng; hội thi tạo hình trái cây, ẩm thực; liên hoan đờn ca tài tử... Trong đó, điểm nhấn là Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Bài và ảnh: MINH NHÃ