Hiện nay, lễ hội dân gian đã trở thành một trong những loại hình du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Chỉ tính trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên đã có các lễ hội văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển du lịch như: Lễ hội Cầu ngư, lễ hội Katê, lễ hội Dinh Thầy-Thím, lễ hội cơm mới... Cùng với sự biến thiên của lịch sử và sự phát triển của xã hội, các lễ hội có sự du nhập, đổi mới theo xu hướng của thời đại song không vì thế mà làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có của mỗi cộng đồng dân tộc và mỗi loại hình lễ hội. Các địa phương miền Trung-Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung đã biết khai thác tiềm năng này để phát triển loại hình du lịch lễ hội dân gian và trên thực tế đã mang lại những tín hiệu tích cực. Du khách đến với các địa phương ngày càng đông đảo hơn.
Lễ hội dân gian với cốt lõi là văn hóa dân gian mang tính diễn xướng và tính cộng đồng cao, thế nên người dân và du khách rất có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, để lễ hội dân gian có thể trở thành một “thương hiệu” đặc trưng của du lịch, các địa phương cần phải gìn giữ, bảo tồn và khai thác tính đặc trưng của mỗi lễ hội mang nét riêng, gắn với những tập quán, nghi lễ, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực của từng vùng miền. Chính những đặc trưng ấy cần được tận dụng để đưa mỗi lễ hội dân gian trở thành “thương hiệu” cho một vùng đất, một địa danh mà mỗi khi nhắc tới một lễ hội, du khách có thể hình dung và nhớ ngay tới vùng đất hay địa danh đó đã khai sinh ra lễ hội.
Có một thực tế tồn tại lâu nay mà các địa phương vẫn đang ra sức “gỡ rối”, đó là thiếu các chiến dịch, các đợt quảng bá sâu rộng cho lễ hội dân gian. Mặt khác, sự đầu tư cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; việc hình thành, giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của một số địa phương vẫn còn hạn chế... Đó là một trong những nguyên nhân làm cho lễ hội chưa thực sự trở thành "thương hiệu" du lịch của địa phương.
Thiết nghĩ, để lễ hội dân gian phát huy hiệu quả, góp phần thu hút khách du lịch, các địa phương cần có những bước đi, cách làm phù hợp trong việc đầu tư cho lễ hội. Quá trình đầu tư phải có sự chọn lọc những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, tập trung xây dựng thành những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách thu hút đầu tư, tăng cường nguồn kinh phí để xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở lưu trú, cảnh quan di tích. Mặt khác, các địa phương cần lựa chọn phương pháp tổ chức lễ hội một cách phù hợp, sinh động, mở rộng phạm vi và sức lan tỏa sâu sắc trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Việc duy trì các lễ hội với tinh thần bảo tồn những nét đẹp của văn hóa truyền thống, tiếp thu cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của lễ hội, qua đó giúp người dân và du khách hiểu biết, trân trọng những giá trị tốt đẹp của lễ hội.
PHAN TIẾN DŨNG