Sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức với chủ đề “Bắc Giang – Điểm đến xanh du lịch Việt Nam”. Các đại biểu dự hội nghị cho rằng Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tỉnh có 2.237 di tích, trong đó có 759 di tích được xếp hạng. Một số di tích có giá trị tiêu biểu đang trở thành những điểm đến tinh hoa của tỉnh như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Địa điểm chiến thắng Xương Giang; Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, An toàn Khu II... Đặc biệt hơn nữa, Bắc Giang có 4 di sản thế giới gồm: Di sản phi vật thể dân ca quan họ, ca trù, thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu ký ức thế giới, Khu vực châu Á Thái Bình Dương.
 |
Bắc Giang giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất quê hương.
|
Bắc Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan đẹp có giá trị về tài nguyên du lịch sinh thái như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối nước vàng, thác Ba Tia; Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử; vùng cây ăn quả rộng lớn 4 mùa hoa trái xanh tươi... Bắc Giang còn là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản, sản vật nổi tiếng như: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân...
PGS, TS Bùi Thu Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Bắc Giang có thể định vị thương hiệu bằng văn hóa, đặc biệt các điểm đến Tây Yên Tử với chùa Am Vãi, chùa Bổ Đà; chùa Vĩnh Nghiêm... Từ “lõi” là văn hóa đó, Bắc Giang có thể tạo thành các sản phẩm du lịch khác lạ, đặc sắc. Ngoài ra, Bắc Giang cần phân khúc thị trường để tránh lãng phí, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm”.
Theo ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: “Thời gian gần đây, Bắc Giang là lựa chọn mới với du khách. Dịp này là cơ hội để hai địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tạo ra các sản phẩm kết nối du lịch; kết nối quảng bá, xúc tiến du lịch hai địa phương”.
Tin, ảnh: HÒA BÌNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.