Tiềm năng chưa được phát huy

Trong dịp về dự Chương trình “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao Đoàn” khu vực Tây Nguyên năm 2016, sau khi được đi tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn, bà Barbara Szymanowska, Đại sứ Ba Lan chia sẻ: “Đến Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng chúng tôi rất thú vị khi được tận mắt chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa, đặc biệt là được trải nghiệm cưỡi voi ở Khu du lịch Buôn Đôn. Đây là nét rất đặc trưng của du lịch Đắc Lắc”.

Trải nghiệm cưỡi voi ở Khu du lịch Buôn Đôn được nhiều du khách ưa thích khi đến Đắc Lắc nhưng môi trường du lịch và cơ sở vật chất nơi đây chưa được đầu tư đúng mức khiến du khách thất vọng. 

Tây Nguyên là mảnh đất có bề dày lịch sử, với nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc các dân tộc của vùng. Trong đó có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, Tây Nguyên còn sở hữu địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi, với hơn 2 triệu héc-ta rừng tự nhiên, 13 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều thác nước hùng vĩ, cảnh quan đẹp. Toàn vùng có các dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều nét văn hóa độc đáo... Vì thế, đây là nơi có tiềm năng rất lớn để hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo như: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - văn hóa, nghỉ dưỡng...

Bà H’Yim Kđok, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết: Không gian văn hóa cồng chiêng trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắc Lắc. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên và xã hội đã dành cho Đắc Lắc nhiều lợi thế không nhỏ về du lịch. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố của rừng núi, sông hồ, thác ghềnh… cùng yếu tố bản sắc văn hóa đa dạng của 47 dân tộc anh em cùng chung sống, với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội… thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa và phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư bản địa. Ngoài ra, Đắc Lắc còn là vùng đất nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, cùng nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao… rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch.

Cùng với Đắc Lắc, Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều ưu thế để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng: Gia Lai là địa phương có nhiều cồng chiêng nhất vùng Tây Nguyên, đồng thời giữ được tương đối tốt không gian sinh tồn của loại hình văn hóa đặc biệt này. Ở góc độ du lịch, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng và giàu tính thực tế, có khả năng liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên một cách thuận lợi. Gia Lai là tỉnh miền núi, có 34 tộc người thiểu số sinh sống. Bên cạnh người Kinh chiếm đa số, đồng bào Ba Na, Gia Rai chính là những cộng đồng bản địa góp phần làm nên bản sắc văn hóa cho địa phương.

Tuy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng đến nay Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Chưa tận dụng được một cách đầy đủ các lợi thế để thu hút đầu tư cho phát triển du lịch; chưa thực sự gắn khai thác với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa; sản phẩm du lịch chưa có sự khác biệt để hấp dẫn du khách, chưa triển khai việc liên kết phát triển; thu nhập của người dân địa phương từ hoạt động du lịch còn thấp; lao động trong ngành du lịch thiếu và kém chất lượng; công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng…

Giải pháp phát triển bền vững

Việc phát triển du lịch gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa voi, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng… tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của địa phương đang được tỉnh Đắc Lắc tập trung đầu tư, khai thác. Chương trình ký kết hợp tác du lịch và quảng bá, xúc tiến cũng đã được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương như: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Hội voi, Lễ hội cồng chiêng… 

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàng, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Gia Lai và Tây Nguyên hiện nay là phải phát triển nhanh và bền vững, vừa khai thác môi trường tự nhiên và văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch vừa quan tâm đến lợi ích kinh tế dài hạn, đồng thời duy trì các khoản đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, tôn tạo tài nguyên du lịch và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương. Để làm được điều đó, Gia Lai đang kêu gọi đầu tư vào du lịch một cách tập trung, không dàn trải; ưu tiên khai thác gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nhấn mạnh các biện pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Gia Lai cũng đang nghiên cứu để có chính sách và nguồn kinh phí thích đáng cho hoạt động bảo vệ môi trường, khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, đồng thời chú trọng đào tạo lao động ngành du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch chung của vùng Tây Nguyên trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các địa phương, doanh nghiệp thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát triển hạ tầng du lịch thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của các địa phương về đặc thù sinh thái, văn hóa, lợi thế điều kiện tự nhiên. Qua đó để phát triển các sản phẩm du lịch, hình thành các trung tâm, điểm đến, chương trình, tuyến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, lan tỏa tới các vùng khác. Liên kết, hợp tác quốc tế trong Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và các nước ASEAN. Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ khác để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Nguyên. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ việc liên kết phát triển du lịch, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu hình thành những chương trình du lịch mới, các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm thu hút khách đến và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch của vùng.

Phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên sẽ kéo theo sự ổn định về kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, phân chia lợi ích công bằng, giảm đói nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái. Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức; các địa phương cần có cam kết hỗ trợ tối đa về mọi mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch bền vững.

 Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG