Ẩm thực Việt từng là lựa chọn hàng đầu của nhiều chính khách, chuyên gia khi đến Việt Nam. Chúng ta từng chứng kiến sự kiện Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn (Bill Clinton) ăn phở tại Việt Nam năm 2000. Món phở vốn nổi tiếng sau sự kiện càng trở thành món ăn “buộc phải tìm đến” khi đến Việt Nam của nhiều du khách nước ngoài. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) cùng siêu đầu bếp An-tô-ni Buốc-đanh (Anthony Bourrdain) thưởng thức món bún chả Hà Nội, khiến món ăn dân dã Việt được toàn thế giới biết đến. Nhiều người cho rằng, ẩm thực Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế và là nguồn tạo ra sản phẩm du lịch đặc biệt, tạo nên thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

leftcenterrightdel
Trình diễn làm bánh cuốn cho du  khách.  
Khách du lịch đến thăm một đất nước, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh quan, trầm trồ trước những câu chuyện kể, còn luôn lưu tâm đến ẩm thực của đất nước đó. Một món ăn, thức uống khi đã đi vào lòng người, sẽ khắc sâu vào tâm trí của du khách, dấy lên sự say mê tìm tòi, nghiên cứu. Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển ẩm thực Việt Nam ra đời có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức các chuyên đề nghiên cứu đối với một số món ăn, thức uống đặc trưng của Việt Nam nhằm giới thiệu và quảng bá du lịch Việt Nam; xác định phương hướng hoạt động rõ ràng và cụ thể đối với từng lĩnh vực trong dài hạn. Trung tâm thực hiện tìm hiểu, nghiên cứu dinh dưỡng của từng món ăn, thức uống Việt theo phương châm “ngon và lành”, định chuẩn món ăn cho các sự kiện tầm quốc gia, đồng thời lựa chọn ẩm thực phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch theo từng phân khúc. Bên cạnh đó, nơi đây cũng trở thành đầu mối cho các khảo sát, lập danh mục và thu thập thông tin về các loại món ăn, thức uống của đất nước; sưu tầm, khôi phục, tiếp tục duy trì và phát triển các món ăn, thức uống thất truyền, các lễ hội ẩm thực dân gian, các làng nghề truyền thống cũng như thúc đẩy việc chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực ẩm thực tại Việt Nam…

Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển ẩm thực Việt Nam, cho biết: Chúng ta có một kho tàng món ăn ngon với đủ loại gia vị độc đáo. Tuy nhiên, nhiều món ăn dân dã của Việt Nam ngon mà chưa đẹp. Có những món ăn của chúng ta được đưa ra nước ngoài nhưng thực tế không giống với món ăn Việt. Để phục vụ được đại đa số khách du lịch hay để đưa được ra nước ngoài nhằm quảng bá nét văn hóa Việt Nam đúng truyền thống, chúng ta cần có những nghiên cứu khoa học, những đầu bếp bản địa cần có sự trợ giúp của các chuyên gia. Có như vậy, món ăn Việt mới phát huy hết những tinh túy vốn có của mình, góp phần làm đẹp hình ảnh của văn hóa Việt và cũng là tạo điều kiện cho những thứ "quốc hồn, quốc túy" của Việt Nam đi khắp năm châu, nằm trên những bàn tiệc sang trọng, đẳng cấp của thế giới”.

Bài và ảnh: HUY AN