Đánh đu mạng sống

Thác Tà Ngào nằm giữa khu rừng nguyên sinh thuộc xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) thu hút rất nhiều du khách tới trải nghiệm trò chơi mạo hiểm. Từ chỗ gửi xe, khách phải đi bộ qua quãng đường mòn dốc quanh co, rậm rạp, dài khoảng 1km, sau đó lội trên dòng suối sâu, chảy xiết, trơn trượt để tới chân ngọn thác 7 tầng, độ cao khoảng 30m, dài khoảng 100m. Một sợi dây thừng lớn được buộc vào gốc cây trên đỉnh thác rồi thả xuôi theo dòng nước. Từ hồ nước phía cuối chân thác, từng tốp người tay không, chân đất, nắm lấy dây thừng, bước lên những tảng đá rêu trơn leo lên đỉnh thác, sau đó thả người trôi tự do. Dòng nước mạnh, chảy xiết sẽ “tống” toàn bộ cơ thể họ xuống chân thác với tốc độ chóng mặt. Chứng kiến cảnh tượng này, anh Nguyễn Đức Trung, ngụ tại TP Đà Lạt, người từng tham gia và hướng dẫn du khách các trò chơi mạo hiểm phải thốt lên: “Thật quá nguy hiểm! Họ đang đánh đu mạng sống của mình với thác nước”.

Tà Ngào là điểm đến tự do của những du khách đi du lịch theo kiểu tự phát. Còn các ngọn núi, khu rừng, thác nước khu vực hồ Tuyền Lâm, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà lại là điểm đến của những tour du lịch mạo hiểm “chui” do một số đơn vị lữ hành tại Đà Lạt tổ chức. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Dù không được cấp phép kinh doanh nhưng các đơn vị này vẫn lén lút bán tour cho du khách với giá rẻ chỉ từ 30-35 USD/vé/người.

Trong hoạt động du lịch mạo hiểm, yêu cầu về hướng dẫn viên, huấn luyện viên rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với các đơn vị tổ chức “chui”, hướng dẫn viên hầu hết không được đào tạo bài bản, không được cấp chứng chỉ hành nghề mà chỉ được huấn luyện sơ sài, theo kiểu “tay ngang”. Sau khi gom đủ lượng khách, các công ty sẽ cho hướng dẫn viên đưa khách vào địa điểm đã "nhắm" sẵn, sau đó tổ chức cho du khách tham gia các trò chơi như: Vượt thác, leo núi, chèo thuyền, đu dây zipline “bay” qua hồ nước…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Du khách tham gia các trò chơi du lịch mạo hiểm tại Đà Lạt. 
Phương tiện bảo hộ cho người chơi không bảo đảm; không có người hướng dẫn; nếu có thì thiếu kiến thức, kinh nghiệm; địa điểm tổ chức xa khu dân cư; không có lực lượng giám sát, quản lý; thiếu thiết bị cứu hộ, cứu nạn… vì vậy các hoạt động trên luôn tiềm ẩn rủi ro rất cao. Điển hình là vụ tai nạn vào ngày 26-2-2016 tại thác Datanla khiến 3 du khách Anh tử tạn hoặc gần đây nhất là vào ngày 23-2, một du khách Ba Lan cùng hướng dẫn viên người Việt Nam tử nạn tại thác Hang Cọp (Đà Lạt). Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng địa phương phát hiện hai công ty có liên quan đến hai vụ tai nạn gồm: Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Đam Mê Đà Lạt và Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng đều bán tour “chui”, không có giấy phép kinh doanh du lịch mạo hiểm, hướng dẫn viên chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Để du lịch mạo hiểm an toàn, hiệu quả

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Oganization), du lịch mạo hiểm hiện là xu hướng du lịch tăng trưởng nhanh nhất của ngành. Là quốc gia có 3/4 diện tích là địa hình đồi núi, hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia hoang sơ, rộng lớn, có bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch mạo hiểm. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng xác định du lịch mạo hiểm là sản phẩm đặc trưng, một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch tại địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động du lịch mạo hiểm trong cả nước nói chung, tại Lâm Đồng nói riêng thời gian qua vẫn còn sơ khai, manh mún, tự phát. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều lỏng lẻo. Luật Du lịch hiện vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về du lịch mạo hiểm, chưa ra một quy chuẩn chung nào để quản lý loại hình du lịch này. Tháng 9-2016, Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo lấy ý kiến về “Quy chế tạm thời về việc tổ chức, quản lý và khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm”, tuy nhiên cho đến nay, quy chế trên vẫn chưa ban hành.

Trong khi chờ đợi, tỉnh Lâm Đồng đã phải ban hành "Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức, khai thác, kinh doanh du lịch mạo hiểm". Theo đó, các doanh nghiệp tham gia tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm phải có giấy phép, có chương trình cụ thể và được cơ quan chức năng xác nhận bảo đảm điều kiện; có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cần thiết; hướng dẫn viên phải có chứng chỉ đào tạo du lịch mạo hiểm; lực lượng cứu hộ phải trực thường xuyên tại khu vực nguy hiểm, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đầy đủ cho du khách về chương trình, cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn có thể gặp phải trong quá trình tham gia và ký hợp đồng dịch vụ, mua bảo hiểm du lịch cho du khách. Sau khi xảy ra vụ tai nạn vào ngày 23-2, Sở VH, TT và DL tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị lữ hành. Theo đó, gần 40 đơn vị lữ hành đã ký cam kết không tổ chức du lịch mạo hiểm “chui” khi chưa được phép của cơ quan chức năng. Ông Phùng Ngọc Huy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch thuộc Sở VH, TT và DL tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện đã có 7 đơn vị gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh du lịch mạo hiểm trong năm 2017, gần 50 hướng dẫn viên đăng ký lớp huấn luyện du lịch mạo hiểm. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định, xét duyệt cho các đơn vị đủ điều kiện cũng như tổ chức lớp huấn luyện, cấp chứng chỉ cho các hướng dẫn viên. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời".

Dù chứa đựng nhiều rủi ro nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn cũng như triển vọng to lớn của ngành kinh doanh du lịch mạo hiểm. Lĩnh vực này đang rất cần sự quản lý về mặt nhà nước một cách chặt chẽ, thống nhất để phát triển an toàn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG