Lao Xa là một ngôi làng nhỏ khoảng hơn 100 hộ dân nằm sát biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngôi làng từ lâu đã được biết đến là nơi có hoa đào nở sớm nhất ở Hà Giang (vào cuối tháng 2). Tuy nhiên, giờ đến với Lao Xa, du khách không chỉ được ngắm hoa đào mà còn được trải nghiệm văn hóa người Mông, sử dụng dịch vụ du lịch homestay do chính những người bản địa làm.

Người đầu tiên làm dịch vụ homestay ở Lao Xa chính là Vàng Mí Hồng, chàng trai sinh năm 1994, từng tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Thái Nguyên. Tuy nhiên, với tình yêu quê hương cùng mong muốn làm thay đổi bộ mặt kinh tế của cả thôn, Vàng Mí Hồng đã quyết định về làm du lịch và chia sẻ kinh nghiệm với những ai cùng chung ý tưởng.

Vốn liếng đầu tiên của Vàng Mí Hồng chính là ngôi nhà trình tường của gia đình có tuổi đời gần trăm năm. Đây là ngôi nhà mà ba thế hệ nhà Hồng đã ở. Nhà trình tường có đặc điểm mát mẻ và mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Bên cạnh đó, Vàng Mí Hồng còn tích cực quảng bá văn hóa truyền thống của người Mông tới du khách như thổi khèn, thổi sáo, ẩm thực, nghề chạm bạc truyền thống…

 Vàng Mí Hồng tiếp đón khách du lịch nước ngoài tại ngôi nhà cổ.

Với vốn tiếng Anh kha khá, cộng thêm sự hiếu khách, dí dỏm, Vàng Mí Hồng lôi cuốn du khách qua những câu chuyện cổ xưa của người Mông. Nào như nguồn gốc người Mông vốn từ vùng Siberia lạnh giá, trải qua nhiều lần di cư và có mặt tại vùng cao Việt Nam hay như tiếng khèn của người Mông xuất phát từ những lần trai tráng ra trận nhớ nhà, họ mang khèn ra thổi để giãi bày tâm tư, nỗi nhớ quê hương và gia đình…

Thấy làm du lịch hiệu quả, bà con trong thôn cũng học tập kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau gìn giữ cảnh quan sạch đẹp, gia súc được nuôi nhốt riêng biệt, các con đường hoa mọc lên như nấm còn những người phụ nữ Mông đã mạnh dạn giao lưu với khách du lịch. Ngoài ra, thôn còn làm một số khu chụp ảnh check-in cho du khách ghé thăm Lao Xa như cầu đá, vườn hoa…

Dẫn chúng tôi thăm nhà nghệ nhân chạm bạc Mua Triệt Chính (75 tuổi), Vàng Mí Hồng cho biết, trước kia có nhiều hộ làm nghề nhưng giờ chỉ còn vài hộ, trong đó ông Mua Triệt Chính là người có tay nghề cao và làm nghề hơn 50 năm.

Ông Mua Triệt Chính cho biết, trước kia làm ra các trang sức từ bạc phải mang ra chợ bán hoặc chỉ bán cho những người ở quanh đây. Từ khi khách du lịch tìm đến Lao Xa rồi mua bạc về làm quà lưu niệm khiến nghề chạm bạc phát triển trở lại. Ở đây chúng tôi vẫn làm chủ yếu bằng thủ công, khách du lịch đến tham quan không chỉ mua bạc mà còn trải nghiệm quá trình làm cũng như tìm hiểu về lịch sử nghề chạm bạc ở Lao Xa.

Các sản phẩm mỹ nghệ từ bạc, đồng chủ yếu như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, quả chuông nhỏ dùng để trang trí trên váy áo của người phụ nữ Mông đều được làm hết sức công phu, tỉ mẩn tuy nhiên giá cả rất hợp lý khiến cả đoàn du lịch chúng tôi ai cũng sắm một món đồ lưu niệm.

Vàng Mí Hồng cho biết, ngôi nhà trình tường của nhà ông Chính còn cổ hơn ngôi nhà anh. Các ngôi nhà trình tường có đặc điểm chung được lợp bằng ngói âm dương và có kiến trúc 3 gian, phía ngoài sân có hàng rào xếp bằng đá, giữa sân thường trồng cây hoa đào, hoa mận và vào đầu xuân nở hoa rất đẹp.

Kết thúc hành trình khám phá Lao Xa bằng một bữa ăn trưa ấm áp bên bếp lửa. Chúng tôi được Vàng Mí Hồng thiết đãi các món ăn truyền thống của người Mông như thịt lợn gác bếp, thắng cố, mèn mén, rau cải mèo xào, canh đậu chúa… và không thể thiếu được rượu ngô. Trong cái hương nồng của núi rừng biên viễn, Vàng Mí Hồng càng tô đậm thêm nét văn hóa người Mông bằng sự hiếu khách của dân tộc mình qua cách kể chuyện đầy cuốn hút.

Th.S Trần Kim Loan, giảng viên thỉnh giảng lĩnh vực du lịch bền vững (Trường Quốc tế - ĐHQGHN) cho biết: Lao Xa vẫn giữ được vẻ bình yên và hoang sơ vốn có, đây có thể nói là điểm thu hút du khách hàng đầu của thôn bản biên giới. Phát triển du lịch ở Lao Xa không những giúp thay đổi bộ mặt kinh tế, gìn giữ văn hóa người Mông mà còn góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Xuân sắp sang, nếu ghé thăm Lao Xa đồng nghĩa với việc du khách chuẩn bị được ngắm hoa đào hồng thắm rực nở trên những dẻo núi cao và trong sân nhà người Mông, hòa vào khung cảnh sắc màu đó là sự yên bình trong từng nếp nhà cổ. Chỉ nằm cách quốc lộ 4C khoảng 4km và cách trung tâm xã Sủng Là 6km, nằm trọn trong thung lũng Sủng Là, Lao Xa hứa hẹn sẽ trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Hà Giang trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.