Từ đầu thế kỷ XX, tên đất, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới - Văn hóa Đông Sơn. Không chỉ có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục, làng cổ Đông Sơn còn gây ấn tượng cho du khách với cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, mang sắc thái làng quê Bắc Bộ. Làng có trục đường chính nằm ở giữa và nhiều nhánh nhỏ rẽ vào các hướng, gọi là ngõ xóm cùng hệ thống di tích đình, chùa, miếu, mái đình, giếng nước cổ kính, với cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, được tạo dựng và phân bố hợp lý tạo nên những cảnh bình dị giếng nước-mái đình rất đỗi quen thuộc, thân thương của làng quê Việt. Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.

 Một ngôi nhà còn giữ nguyên vẹn nét xưa trong làng cổ Đông Sơn.

Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Nơi đây được xem như một ''niên biểu'' về sự phát triển liên tục từ buổi các Vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Lịch sử của làng cũng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất Thanh Hóa.

Làng cổ Đông Sơn được coi là làng quê điển hình thuần Việt, hiện còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Người dân sống tuân thủ theo hương ước của làng, với hơn 100 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ... Làng còn được chia thành nhiều “làng” nhỏ thể hiện một mức sống tinh thần khá cao, với làng Văn - người học chữ Nho, làng Võ - người đi lính, làng Nhạc - người chơi nhạc, làng Hộ - người trông coi Văn Thánh. Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...  Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...; hội làng diễn ra vào ngày 3-3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp.

Trong khuôn khổ hưởng ứng Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn. Du khách khi đến đây sẽ được nghiên cứu, trải nghiệm nền văn hóa Đông Sơn, thăm di tích cấp quốc gia đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn, di tích cấp tỉnh chùa Đông Sơn, nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Lương Trọng Duệ, tản bộ dọc theo làng cổ tham quan 4 ngõ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, cũng như dấu tích văn hóa Đông Sơn, đình, chùa, động Tiên, động Long Quang... Đây thực sự là những địa điểm tham quan, du lịch thú vị. 

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH