Theo người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong năm 2020, Việt Nam đã tham dự hầu hết các hội nghị quan trọng của G20 như: Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực: Ngoại giao, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại và du lịch; các hội nghị quan chức cao cấp và một số cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 19-11. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đặc biệt G20 về ứng phó Covid-19 vào ngày 26-3-2020, qua đó đã khẳng định trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam và ASEAN vào nỗ lực chung của quốc tế trong chống dịch Covid-19 cũng như truyền thông điệp về quyết tâm và kết quả chống dịch của Việt Nam.

“Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó với Covid-19, thương mại đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các chủ đề vượt quá trình đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu”, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.

* Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien từ ngày 20 đến 22-11, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ O’ Brien sẽ thăm chính thức Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Dự kiến ông O’Brien sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

* Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết vấn đề Biển Đông được thảo luận như thế nào tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao Đông Á lần thứ 15, đại diện nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài trên vùng biển quan trọng của khu vực này. Để đạt được mục tiêu đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa. Các nước cũng cho rằng cần đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), khung khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các nội dung trên đây đã được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và Cấp cao Đông Á 15.

PHƯƠNG LINH