Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi tới phiên họp đặc biệt này.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia đều chia sẻ quan ngại trước việc đại dịch đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến những người nghèo và dễ bị tổn thương; kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục tăng cường quyết tâm và nỗ lực hợp tác quốc tế trong ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 cho rằng đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế, phát triển, nhân đạo và con người toàn cầu, tác động tới tất cả người dân trên thế giới theo cách không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử 75 năm của LHQ. Trong ứng phó, cần bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau và cần bảo đảm các chính sách ứng phó, không làm suy yếu các hệ thống y tế thiết yếu khác cũng như nền kinh tế và xã hội. Tổng thư ký LHQ cho rằng để ứng phó Covid-19, trong thời gian tới cần ưu tiên tăng cường hệ thống y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD hằng năm hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu; đề xuất năm 2021 phải là năm giải quyết các tình trạng khẩn cấp toàn cầu, bao gồm: Đa dạng sinh học, nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ môi trường biển và đại dương, giảm ô nhiễm hóa chất và chất thải rắn, đặc biệt là nhựa.

Tại phiên thảo luận chung cùng lãnh đạo các nhà nước/chính phủ, trong thông điệp quan trọng gửi tới phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến tổ chức phiên họp đặc biệt này và cho rằng để cùng nhau chiến thắng đại dịch Covid-19, các quốc gia cần đề cao vai trò trung tâm của LHQ, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động, đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu. 

ĐOÀN CA