“Báu vật” của già làng Rơ Mah Blơi

Đến làng Triêl không khó để tìm gặp đảng viên, già làng Rơ Mah Blơi, vì ông được cán bộ, đảng viên, nhân dân ví như “cuốn sử sống” của làng. Đặc biệt, già làng Rơ Mah Blơi là người gốc Campuchia được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam từ rất sớm, trở thành “trụ cột” của làng, cùng với Chi bộ làng Triêl củng cố khối đoàn kết toàn dân, tập trung chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng bình yên, no ấm.   

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang của gia đình, già làng Rơ Mah Blơi nhớ lại ký ức đau thương do chế độ diệt chủng Pol Pot gây ra. Già làng kể, từ năm 1975 đến 1979, bóng đen của chế độ diệt chủng Pol Pot bao trùm đất nước Campuchia, nhiều gia đình buộc phải rời bỏ quê hương để tìm nơi nương náu. Khi đó, Rơ Mah Blơi mới hơn 10 tuổi đã theo gia đình, cùng với gần 40 hộ dân của làng Lâm (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) vượt qua biên giới đến làng Triêl nương nhờ, tránh nạn.  

“Trong ký ức tuổi thơ của tôi, hai hình ảnh đối lập nhau hoàn toàn, một bên là sự tàn bạo, đốt hết, lấy hết, giết hết của bè lũ Pol Pot; một bên là tình cảm nồng hậu của cán bộ, đảng viên, bộ đội, nhân dân Việt Nam. Gia đình tôi và những người dân Campuchia khi đến làng Triêl được cán bộ, nhân dân địa phương, bộ đội Việt Nam cưu mang, giúp đỡ. Nhiều gia đình Gia Rai nơi đây mặc dù cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nhưng đã san sẻ từng bát gạo, mảnh chăn, quần áo cho chúng tôi như anh em ruột thịt”, già làng Rơ Mah Blơi nhớ lại.

 Đồng chí Ksor Bíu (thứ hai, từ trái sang) và già làng Rơ Mah Blơi (ở giữa) trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn.  

Theo già làng Rơ Mah Blơi, tình cảm ấm áp, nghĩa tình của chính quyền, nhân dân địa phương, Bộ đội Cụ Hồ chính là lý do sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ, gia đình ông và nhiều gia đình người Campuchia khác quyết định xin ở lại Việt Nam. Tình cảm đối với Việt Nam của những người dân Campuchia đi tránh nạn diệt chủng Pol Pot cứ lớn dần theo năm tháng, nhất là khi được nhập quốc tịch Việt Nam, được chính quyền địa phương cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ cây giống, con giống để phát triển sản xuất, trẻ em được đến trường học chữ, cuộc sống mở ra một trang mới, ổn định và phát triển tốt đẹp.

Kể đến đây, già làng Rơ Mah Blơi nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng bên cạnh ảnh của cha mình trên bàn thờ rồi nói: “Riêng cá nhân già còn có một niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao nữa cháu ạ!”. Thấy tôi chưa hiểu, già làng Rơ Mah Blơi lấy trong túi áo ra chiếc thẻ đảng viên đưa cho tôi, giọng xúc động: “Đây này cháu, Đảng và Bác Hồ luôn ở trong tim tôi và bà con làng Triêl”.

Cùng trò chuyện với già làng Rơ Mah Blơi có Trung tá Rah Lan Toanh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Pnôn (Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai). Anh Toanh cho biết, anh là người địa phương và có nhiều năm gắn bó với địa bàn làng Triêl, hiểu rõ làng Triêl như trong lòng bàn tay, nhưng khi có công việc anh đều đến gặp già làng Rơ Mah Blơi để bàn bạc, trao đổi tìm cách giải quyết. “Già Blơi từng tham gia lực lượng dân quân và có 11 năm làm công an viên, làm cán bộ bán chuyên trách của xã, sau đó về làm bí thư chi bộ, rồi già làng. Già Blơi được kết nạp Đảng năm 1996 và xem thẻ đảng viên như một báu vật, một niềm vinh dự, tự hào lớn lao của gia đình. Già luôn nhắc nhở con cháu trong nhà và bà con dân làng khắc ghi, người dân làng Triêl hồi sinh và có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Gia đình già Blơi cũng là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của địa phương, hiện nay, vườn cây của gia đình có 1,8ha cao su, 1ha điều, 8 sào cà phê và đàn bò 9 con. Quá trình công tác, già luôn gương mẫu, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều gia đình vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững”, Trung tá Rah Lan Toanh nói.  

Chuyện “Samaki” ở làng Triêl

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Ksor Bíu, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Triêl, phấn khởi cho biết, tháng 6-2025, làng Triêl được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Diện mạo của làng khởi sắc, đời sống người dân không ngừng nâng cao. Đường từ trung tâm xã đến làng, đường liên thôn, trục thôn của làng đã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100%; đường ra khu sản xuất cũng được cứng hóa 100%. Mừng nhất là làng có 95 hộ với 427 khẩu và 100% đã được sử dụng điện, nước sạch; 100% hộ dân có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học lớp 6. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo đa chiều chỉ còn 7 hộ, cận nghèo còn 5 hộ; 4 hộ có nhà tạm, nhà dột nát cũng đã xóa xong. 

Theo đồng chí Ksor Bíu, đạt được kết quả đó, bên cạnh hiệu quả của các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ nguồn lực từ các cấp, các ngành, Bộ đội Biên phòng, Công ty 72 (Binh đoàn 15) còn có sự lãnh đạo đúng, trúng của Chi bộ làng Triêl. Với phương châm “Đảng viên tiên phong, nhân dân đồng lòng”, hằng tháng, Chi ủy, Chi bộ làng Triêl lựa chọn những nội dung sinh hoạt cụ thể. Có thể tập trung lãnh đạo thực hiện một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện “10 nếp nghĩ”, “10 cách làm” trong đồng bào dân tộc thiểu số; xóa bỏ hủ tục; giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội... với nội dung, mục tiêu cụ thể, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ cách làm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả. Phương pháp lãnh đạo là cán bộ, đảng viên, chi hội trưởng các chi hội, bí thư chi đoàn tiên phong làm trước, sau đó tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân đồng lòng làm theo. Nhờ đó, vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ và tính tiền phong, nêu gương của đảng viên được phát huy và cùng với sức mạnh đoàn kết của toàn dân đã làm nên thành công.  

“Nhiều người vẫn gọi làng Triêl là “làng Cam”, vì hơn một nửa hộ dân của làng là người gốc Campuchia. Nhưng người dân làng Triêl không gọi như vậy mà gọi là “làng Samaki”, theo nghĩa tiếng Việt là đoàn kết. Tinh thần đoàn kết thấm sâu vào từng đảng viên, từng người dân, trở thành động lực của sự phát triển. Ví dụ, để thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đặt ra là cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. Chi ủy, chi bộ phân công 19 đảng viên của chi bộ đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động những người trong độ tuổi lao động xin vào làm công nhân cho Công ty 72 để có tiền lương, thu nhập ổn định hằng tháng, đồng thời cùng với người dân bàn bạc tìm sinh kế bền vững cho gia đình; tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, Bộ đội Biên phòng, Công ty 72 để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập trung vào những cây có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, điều và đẩy mạnh chăn nuôi bò giống, bò thịt”, Bí thư Chi bộ làng Triêl giải thích.

Đồng chí Lê Thị Khánh Hòa, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Pnôn cho hay, tinh thần “Samaki”-đoàn kết ở làng Triêl được vun đắp qua nhiều năm, trở thành biểu tượng về tình đoàn kết, thủy chung của nhân dân hai bên biên giới Việt Nam-Campuchia. Người dân Campuchia khi sang Việt Nam để tránh họa diệt chủng Pol Pot được bộ đội, chính quyền, nhân dân Việt Nam dang rộng vòng tay cưu mang, che chở. Sau họa diệt chủng Pol Pot, những người muốn về nước hay ở lại và hiện nay là qua lại thăm thân hai bên biên giới đều được cấp ủy, chính quyền xã, Bộ đội Biên phòng hỗ trợ tối đa theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.