Thế nhưng, cùng với những kết quả tích cực đã đạt được, công tác xây dựng luật pháp trong thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế; có những luật vừa được thông qua đã phải xem xét sửa đổi do có những quy định thiếu hợp lý, sớm lạc hậu với thực tế...

Tại một cuộc họp về cải cách hành chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, việc xây dựng luật pháp phải phục vụ cho nhiệm vụ kiến tạo, phát triển đất nước, chứ nếu luật pháp mà khiến các doanh nghiệp và người dân “sợ khiếp vía”, không ai dám làm gì nữa vì lo bị xử lý hình sự từ những quy định thiếu hợp lý, thì sẽ phản tác dụng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa theo internet. 

Có vẻ như khi làm một số bộ luật, luật, các cơ quan tham gia đã chưa đo lường hết được những tác động của các “sản phẩm” luật pháp mà mình tạo ra. Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn của Việt Nam với thế giới, hệ thống luật pháp của nước ta không chỉ tác động đến hơn 90 triệu người dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài đang hợp tác và muốn hợp tác với Việt Nam, ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Các quy định của pháp luật có thể tác động đến việc mở ra, hoặc đóng lại các cơ hội phát triển của đất nước. Vì thế, việc làm luật cần phải tính toán đủ các khía cạnh tác động, mang tính dài hạn.  

Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình xây dựng luật pháp, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia và nhân dân. Các ý kiến ấy sẽ cung cấp thêm thực tế để các cơ quan làm luật cân nhắc. Người tham gia làm luật phải đặt mình vào vị trí của các đối tượng chịu tác động, thấu hiểu và cảm thông, từ đó mới tìm ra được phương án hợp lý. Tuy nhiên, khi làm luật cũng cần phải có tầm nhìn xa, hết sức tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”, tránh bị phân tâm bởi những ý kiến trái với Hiến pháp, không phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi của chế độ chính trị, không phù hợp với đặc thù văn hóa-xã hội của đất nước ta.

Trong kỳ họp thứ hai này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một số dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật. Cử tri và nhân dân rất mong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án luật, các đại biểu Quốc hội nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ để xây dựng được các luật thật sự chất lượng, sát với thực tế, vừa góp phần cho việc quản lý, giữ ổn định đất nước, vừa kiến thiết để đất nước ta được mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.

HỒ QUANG PHƯƠNG