Nhưng con gái chúng tôi cũng có lý lẽ riêng, với kế hoạch khá thuyết phục, đại khái: Học lực của con chỉ vào loại khá nhưng trong lớp (năm thứ nhất một trường đại học công lập ở Hà Nội) chẳng mấy bạn có trình độ hơn con; về học phí, bố mẹ có ý định mua tặng con một căn hộ chung cư, con xin nhận và chuyển của hồi môn này sang tiền học phí... Rồi cháu đưa ra một vài số liệu làm dẫn chứng: Năm học 2015-2016, có tới 21.403 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ, xếp thứ 6 về số lượng du học sinh thế giới có mặt ở xứ Cờ hoa, chỉ xếp sau: Trung Quốc, Ấn Độ, A-rập Xê-út, Hàn Quốc và Ca-na-đa (báo cáo trao đổi giáo dục quốc tế Open Doort, do tổ chức IIE thực hiện tháng 11-2016). Hơn nữa, trước khi có ý định đi du học chuyên ngành, cháu đã tìm hiểu, tham gia khóa học tiếng Anh 10 tuần hè ở Phi-líp-pin. Khi trở về, trình độ tiếng Anh được cải thiện rõ nét và cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người cũng giúp cháu chững chạc hơn.
Có thể khẳng định, con em người Việt đi du học ở nước ngoài, nếu được ở Mỹ, Anh, Thụy Sĩ... càng tốt, bởi đó là những quốc gia phát triển, có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học rất tốt. Sau khi tốt nghiệp, nhiều du học sinh sẽ trở về quê hương làm việc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước; số ít còn lại, dù có định cư ở nước nào cũng sẽ đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của nhân loại, hợp cùng với hơn 4 triệu Việt kiều làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế.
Tuy nhiên, việc phải chi phí quá lớn (riêng số du học sinh ở Mỹ thì hằng năm các gia đình người Việt phải chuyển sang xứ Cờ hoa không dưới 600 triệu USD; còn toàn bộ số tiền mà du học sinh Việt Nam phải chi phí ở nước ngoài lên tới hơn 3 tỷ USD) buộc chúng ta phải suy nghĩ. Nếu số tiền trên là tiền tiết kiệm, chắt chiu từ cuộc sống lao động, kinh doanh hiệu quả thì thật đáng mừng, bởi các gia đình người Việt đã đúng hướng khi chọn kênh giáo dục để đầu tư cho tương lai. Nhưng, nếu là tiền vay mượn thì cần cân nhắc, suy tính thật thấu đáo, bởi ngoài học phí, sinh hoạt ở các nước phương Tây rất đắt đỏ nên gánh nặng cho các bậc phụ huynh thêm chồng chất.
Việc chậm sửa đổi các nghị định, văn bản pháp quy của các cơ quan chức năng về đầu tư giáo dục cũng vô tình buộc nhiều gia đình có điều kiện phải cho con em du học từ bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, dù chưa muốn con trẻ sớm xa nhà. Chẳng hạn như tại Nghị định 73 chỉ cho phép tỷ lệ học sinh người Việt trong trường quốc tế (ở Việt Nam) từ 10-20%. Nếu trường quốc tế không có học sinh nước ngoài thì không được tuyển sinh người Việt. Đấy là chưa kể đến nguồn cung giáo viên tiếng Anh (trình độ cử nhân ngôn ngữ học) là người nước ngoài cũng không đơn giản, thậm chí là khan hiếm. Vấn đề tiếp theo là những trói buộc trong cơ chế. Chuyện là đầu năm học, bạn tôi là hiệu trưởng một trường đại học uy tín hàng đầu Hà Nội vui mừng thông báo nhà trường vừa có quyết định được tự chủ. Song, chưa được 3 tháng sau, bạn tôi đã muốn trả lại cái quyền tưởng như rất to ấy. Đơn giản là một chuyện tưởng như nhỏ nhất là cho nghỉ trước thời hạn một nhân viên (trong số hàng nghìn lao động) không đủ năng lực công tác, nhưng cũng không tự quyết được...
Phải chăng những ví dụ nhỏ kể trên lại là rào cản đối với sự phát triển ngành giáo dục nước ta; và gián tiếp làm cho số ngoại tệ quá lớn chảy ra nước ngoài, trong khi nước ta đang phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ để phục vụ cho phát triển.
ĐỖ NAM THẮNG