Phát huy tốt vai trò, khả năng của lực lượng này không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương mà còn góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Thời gian qua, nhiều địa phương luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho quân nhân xuất ngũ, ưu tiên bố trí việc làm phù hợp, nhất là những đồng chí được kết nạp Đảng trong quân đội. Không ít quân nhân xuất ngũ đã tìm được việc làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống, có đóng góp tích cực cho xã hội nhờ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. 

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm tốt điều đó. Thực tế cho thấy, vẫn còn những địa phương thờ ơ, chưa làm tròn trách nhiệm với quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự khiến nhiều quân nhân sau khi rời quân ngũ trăn trở, âu lo, không có việc làm để mưu sinh. Điều này ảnh hưởng đến đời sống, tư tưởng của quân nhân xuất ngũ, tác động tiêu cực đến tâm lý của thanh niên chuẩn bị nhập ngũ; đồng thời lãng phí một nguồn lực lao động được rèn luyện, thử thách trong môi trường quân đội...

Ưu tiên tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Ảnh minh họa: baothainguyen.vn. 

Ưu tiên tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Đây không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị quân đội, của chính quyền địa phương mà còn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển chọn, gọi công nhân nhập ngũ.

Thông qua đó góp phần động viên, củng cố niềm tin, giúp thanh niên yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, trường nghề, doanh nghiệp... phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội trong công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, dạy nghề, tuyển dụng lao động...

Khi quân nhân chuẩn bị xuất ngũ, các đơn vị cần chủ động tuyên truyền, xây dựng động cơ, tinh thần lập thân, lập nghiệp, nắm chắc nhu cầu học nghề, tìm việc làm của bộ đội để phối hợp tổ chức cung cấp thông tin cần thiết về ngành nghề, thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, địa chỉ đào tạo nghề uy tín và định hướng nghề nghiệp phù hợp khả năng của từng cá nhân.

Khi quân nhân trở về địa phương, chính quyền các cấp cần ưu tiên bố trí việc làm thích hợp ở các đoàn thể, khu phố, thôn, ấp... trên địa bàn. Trường hợp trước khi nhập ngũ là cán bộ, công chức, dứt khoát phải được tiếp nhận, sắp xếp việc làm phù hợp ngay sau khi họ trở về địa phương theo đúng luật định; đồng thời ngành lao động-thương binh và xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương khảo sát nguyện vọng việc làm, khả năng thực tế của quân nhân xuất ngũ để giới thiệu cho các doanh nghiệp tuyển dụng; tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch cho quân nhân xuất ngũ trực tiếp gặp gỡ, được tư vấn tuyển dụng từ các doanh nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp...

Vấn đề quan trọng là, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương phải xác định rõ trách nhiệm thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thực sự là cầu nối doanh nghiệp với quân nhân xuất ngũ và có chính sách hỗ trợ việc làm thiết thực, hiệu quả để hạn chế thấp nhất tình trạng thất nghiệp, lãng phí nguồn lực lao động từng được tôi rèn trong môi trường quân đội.

CHÂU GIANG